Những thông tin về việc cả ngàn mét vuông đất rừng ở thôn Phú Thượng (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) bị biến thành “nghĩa trang gia đình” (Báo Đà Nẵng, ngày 7-6-2012) khiến dư luận băn khoăn rằng, sự việc này đã xảy ra hơn nửa năm nay nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có những biện pháp xử lý thật sự hiệu quả.
Đất rừng bỗng chốc bị chia lô bán nền để xây mồ mả, làm đất âm phủ lên cơn “sốt” cho thấy, nhu cầu để có đất an táng của người dân là rất lớn. Nhưng Đà Nẵng không hề thiếu đất để an táng. Nghĩa trang Hòa Ninh được mở rộng giai đoạn 2 với 22 hecta, trong đó diện tích để an táng khoảng 12 hecta, đủ chỗ cho 24.000 ngôi mộ và sẽ tiến hành giai đoạn 3 với hơn 100 hecta. Hơn nữa, ngay cạnh nơi diễn ra mua bán đất âm phủ rầm rộ ấy là Trung tâm hỏa táng An Phước Viên khang trang, bề thế nhưng… thưa vắng người đến hỏa táng. Đó là do tâm lý quần cư khiến không ít người khi về cõi vĩnh hằng vẫn muốn được ở cùng một chỗ. Vì vậy, những người tham gia mua bán đất nghĩa trang bất chấp quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, đồng thời không ngại đến cả rủi ro khi mua bán, sang nhượng chỉ bằng mảnh giấy viết tay mà không thông qua chính quyền địa phương.
Bởi quá lo cho người nằm xuống mà nhiều người đã quên tương lai của các thế hệ mai sau khi hàng ngàn mét vuông đất rừng bị hủy hoại để xây mồ mả. Lũ lụt sẽ tràn xuống khi rừng cây không còn. Nguồn nước bị ô nhiễm nặng bởi mộ chôn sát nơi ở của người sống đang là thực tế nhãn tiền tại Phú Thượng. Để có tiền, hàng chục hộ dân đã sang nhượng đất trái phép cho người có nhu cầu xây mộ mà quên rằng đời con, cháu mình sẽ sống như thế nào trên vùng đất ấy. Xu thế của thế giới hiện nay là đều dùng hình thức hỏa táng vừa gọn nhẹ, tiết kiệm và không ảnh hưởng đến môi trường.
Sự việc ở Phú Thượng đã xảy ra hơn nửa năm nay, chính quyền không thể không hay biết. Dù biết rằng đụng đến vấn đề cưỡng chế đất đai không phải chuyện đơn giản, cưỡng chế một ngôi mộ còn khó gấp nhiều lần đập hàng chục ngôi nhà, nhưng dư luận vẫn đặt câu hỏi tại sao chính quyền không ngăn cản việc này ngay từ khi mới manh nha, để đến khi hàng loạt ngôi mộ đã được xây, khi “gạo đã thành cơm” thì mới than là… khó quá? Trước sự việc nghiêm trọng như vậy, cần có sự vào cuộc, sự phối hợp của nhiều cấp chính quyền, ban, ngành.
Lãnh đạo xã Hòa Sơn cho rằng, việc xây dựng mồ mả trái phép vẫn chưa nhiều, chưa “nóng” (!?). Có lẽ, để đến khi đất ở Phú Thượng biến thành “nghĩa trang gia đình”, để đến khi sự việc không thể cứu vãn nữa thì mới được gọi là nghiêm trọng, cần giải quyết. Không thể phủ nhận việc chính quyền đã có phối hợp với Công an địa phương kiểm tra và phạt hành chính vài vụ với số tiền vài triệu đồng. Song, để giải quyết rốt ráo tình trạng này, cần những biện pháp mạnh tay hơn, sự phối hợp đồng bộ chứ không thể chỉ là sự “chiến đấu” đơn độc (mang nặng tính hình thức) của chính quyền địa phương.
Việc thất thoát tài nguyên đất đang đến hồi báo động. Nếu không có biện pháp xử lý hợp tình, hợp lý, theo tinh thần thượng tôn pháp luật, thì tất yếu sẽ dẫn đến những hệ lụy khác. Nhưng chuyện của người sống đừng để cho người chết không yên bởi những động cơ vụ lợi của một số người.
KIM NGÂN