Trong khi Trung Quốc liên tục vi phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam bằng việc tuyên bố thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý gồm huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và huyện đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng), thì ngoài khơi xa, hàng nghìn tàu đánh bắt xa bờ của các tỉnh ven biển miền Trung vẫn kiên trì bám biển. Sự có mặt của ngư dân Việt Nam trên các vùng biển thuộc hai huyện đảo nói trên không chỉ là câu chuyện mưu sinh mà còn khẳng định rõ, họ chính là những người làm chủ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Dù cho sự can thiệp thô bạo xuất hiện trên cả phương diện ngoại giao lẫn trên biển thì với ngư dân Việt Nam, huyện đảo Trường Sa cùng huyện đảo Hoàng Sa vẫn nghiễm nhiên thuộc chủ quyền của Việt Nam và họ hoàn toàn có quyền đánh bắt, khai thác hải sản tại hai ngư trường lớn này.
Đã có những lúc, nhiều ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung, đặc biệt là tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi gặp phải sự ngăn trở của Trung Quốc khi đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa. Một số ngư dân Việt Nam bị bắt giam, bị tịch thu ngư lưới cụ cùng những sản vật đánh bắt được và thậm chí, khi được thả về, đằng sau họ là cả một khoản nợ lớn cho chuyến đi biển bất thành. Thế nhưng, lòng tự tôn dân tộc giúp cho họ kiên trì bám biển, không chùn bước trước những áp lực, những đe dọa. Cho dù hành trình của những ngư dân này còn gặp nhiều trở ngại nhưng đa số họ vẫn tiếp tục bám biển để khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc thể hiện ý chí kiên cường của người dân Việt Nam: Không bao giờ chùn bước trước sự uy hiếp, không để vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc bị xâm lấn.
Hằng năm, tránh đi những mùa bão lớn, ngư dân Việt Nam không lúc nào vắng mặt trên hai ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa. Một phần vì đây là những ngư trường chủ quyền quốc gia, dồi dào sản vật, một phần cũng bởi họ tự tin khi đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia, không xâm phạm vào vùng biển của nước khác. Sự khuấy đảo, đe dọa, can thiệp từ các lực lượng nước ngoài trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam vẫn không ngăn được những chuyến tàu tiếp tục ra khơi xa.
Trên nghị trường, Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục đấu tranh để khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó, ở hai vùng biển thiêng liêng này, ngư dân các tỉnh miền Trung không khi nào vắng mặt. Để tạo động lực cho quyết tâm bám biển của ngư dân tại hai ngư trường lớn này, sự hỗ trợ của Nhà nước về vật chất và động viên về tinh thần là rất cần thiết. Không chỉ hỗ trợ xăng dầu, phương tiện liên lạc mà còn trong việc thiết lập các đội tàu đánh bắt xa bờ cũng như đầu tư đóng mới những chiếc tàu lớn đủ để bám biển dài ngày và đối mặt với gió bão khi mùa mưa đến. Thêm vào đó, các đơn vị liên quan trong ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, lực lượng Biên phòng, Hải quân… cũng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho bà con ngư dân những thông tin quan trọng về phạm vi chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Để rồi, ngư dân có thể lựa chọn đúng ngư trường đánh bắt, tránh làm ảnh hưởng đến quan hệ bang giao giữa các nước cũng như gây hại đến bản thân khi đánh bắt xa khơi ở những vùng biển còn đang tranh chấp.
Những ai đã từng ra khơi xa, đến với vùng biển thuộc huyện đảo Hoàng Sa, Trường Sa chắc chắn đều rất tự hào khi nhìn thấy những chiếc tàu đánh bắt xa bờ tung bay cờ đỏ sao vàng. Chỉ cần nhìn thấy biểu tượng của Tổ quốc phấp phới bay giữa muôn trùng sóng nước là có thể cảm nhận được giá trị của từng tấc đất, tấc biển thuộc chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam. Và với những ngư dân miền Trung, sự tự tin, mạnh mẽ và kiên trì của những người con miền biển sẽ tiếp tục đưa họ đến với những hành trình dài trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Chính họ là những người hiểu rõ nhất giá trị thiêng liêng của biển, đồng thời là những người góp phần quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
HÀ AN