Xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập, là khu vực doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển và đóng góp vào ngân sách Nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định 56/2009/NĐ-CP ngày 30-6-2009 về trợ giúp phát triển DNNVV và Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 5-5-2010 về triển khai thực hiện nghị định này.
Một trong 6 giải pháp trọng tâm nghị quyết đặt ra là xây dựng và củng cố hệ thống trợ giúp phát triển DNNVV. Thế nhưng đến nay, ở cấp Trung ương, cơ quan đầu mối là Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới chỉ tập trung xây dựng các cơ chế chính sách, giải pháp phát triển DNNVV, chưa đẩy mạnh việc tổ chức triển khai thực hiện các chương trình trợ giúp hỗ trợ DNNVV ở cấp địa phương, khiến hệ thống cơ quan đầu mối thực hiện chức năng trợ giúp DNNVV địa phương không đủ lực thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.
Tại hội nghị về mô hình và định hướng hoạt động của cơ quan đầu mối thực hiện trợ giúp phát triển DNNVV cấp tỉnh vào đầu tháng 5 vừa qua, đại diện các địa phương đều cho rằng, điều mà doanh nghiệp cần hiện nay không chỉ là vốn. Qua nhiều “trận ốm” nặng do “bão” kinh tế tài chính, các doanh nghiệp đã bộc lộ việc thiếu khả năng đề kháng mà nguyên nhân chính không chỉ là thiếu vốn. Ông Miki Miyamoto, chuyên gia của Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho hay, DNNVV ở Nhật Bản chiếm tới 99,7% tổng số doanh nghiệp, với 70% tổng số nhân công và hơn 50% giá trị gia tăng ở Nhật. Chính các DNNVV đã hình thành nên xương sống của nền kinh tế Nhật Bản. Vì vậy, chính sách hỗ trợ DNNVV của Nhật Bản là khuyến khích cải tiến quản lý, củng cố nền tảng quản lý, thích nghi với các thay đổi môi trường đột ngột về kinh tế và xã hội..., cuối cùng mới đến hỗ trợ về tài chính và cơ sở vốn.
Việt Nam có khoảng 500.000 DNNVV, tương ứng với chừng ấy thủ lĩnh doanh nghiệp. Doanh nhân chính là những người lính trên thương trường nhưng chưa được quan tâm hỗ trợ đào tạo. Họ bước vào thương trường phần lớn theo cách tự bỏ tiền ra làm, tự tìm kiếm cơ hội, tự “bơi” và nguy cơ “chết đuối” luôn rình rập. Tư duy phát triển kinh tế từ khai thác tài nguyên và vốn vay nước ngoài đã được nhìn nhận thay đổi bằng tăng trưởng từ sản xuất hàng hóa, kinh doanh. Để làm được điều này, không ai khác, chính doanh nghiệp và doanh nhân cần phải nhận được nguồn hỗ trợ, tiếp sức đúng cách.
Tại Đà Nẵng, Trung tâm Hỗ trợ DNNVV được thành lập gần 2 năm nay nhưng hầu như không có nguồn kinh phí hoạt động. Trung tâm mới chỉ mở được một lớp đào tạo Quản trị Tài chính cho 30 doanh nghiệp bằng nguồn kinh phí sự nghiệp. Việc hỗ trợ doanh nghiệp của cơ quan đầu mối địa phương hiện cũng chỉ mới dừng lại ở việc hỗ trợ thủ tục hành chính. Trong khi đó, doanh nghiệp có quá nhiều nhu cầu trợ giúp như về pháp lý, tư vấn định hướng sản suất, kinh doanh hay nói cách khác, doanh nhân cần một vườn ươm doanh nghiệp từ khởi sự đến xuyên suốt quá trình hoạt động.
Chỉ khi có sự thay đổi về nhận thức đối với vai trò và nhiệm vụ của cơ quan đầu mối hỗ trợ DNNVV để có sự đầu tư đúng mực về nhân lực, vật lực thì DNNVV mới có cơ hội hỗ trợ để phát triển bền vững. Sự thay đổi này phải chăng có thể bắt đầu bằng việc ban hành chương trình mục tiêu quốc gia về hỗ trợ DNNVV?
THU PHƯƠNG