Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, học sinh được yêu cầu viết một đoạn văn nói lên những suy nghĩ của mình về chủ đề: “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội”. Với đề bài theo hướng mở như thế này, chưa rõ học sinh trả lời như thế nào trên những trang giấy bài thi để mô tả, phân tích về thói dối trá. Và trong khi những bài làm vẫn còn chưa ráo mực thì ngay sau đó, vụ việc giám thị ném phao thi cho học sinh tại tỉnh Bắc Giang cho thấy một thực tế đáng buồn về thói dối trá ngay trên ghế nhà trường. Còn gì đáng phê phán hơn khi chính người dạy các em về đạo đức, lẽ sống lại thực hiện một hành vi dối trá phản giáo dục như vậy.
Thực tế, tại một số hội đồng thi, giám thị vẫn làm ngơ, mặc học sinh vô tư quay cóp tài liệu, trao đổi bài với nhau. Sự dễ dãi của một số giám thị đã tạo cơ hội cho thói dối trá của một bộ phận học sinh có cơ hội phơi bày. Trong khi đó, môn học Giáo dục công dân ở nhà trường chắc chắn đã dạy các em về sự trung thực, về thói dối trá, về những phẩm chất đạo đức cần có của một công dân tốt. Và ắt hẳn mỗi giáo viên đều không muốn học sinh của mình quay cóp, gian lận trong thi cử. Thế nhưng, việc giám thị tại Bắc Giang ném phao thi cho học sinh là sự tiếp tay cho thói dối trá, khiến những bậc phụ huynh và cả học sinh có cái nhìn tiêu cực về ngành Giáo dục. Lời giải cho câu hỏi của đề thi tốt nghiệp đã có một đáp án thực tế ngay tức thì. Nhưng đáp án này lại phản ánh sự dối trá từ chính người trong ngành Giáo dục - nơi mà đáng ra họ phải thật sự gương mẫu để các em noi theo. Nếu cả người đi dạy cũng thiếu trung thực thì hình mẫu nào để những tâm hồn còn đang cần nuôi dưỡng kia học tập và noi gương?
Từ câu chuyện này, mở rộng trên thực tế, thói dối trá cũng từng ngày từng giờ len lỏi trong cuộc sống, trong nhiều cơ quan, công sở, trong sản xuất kinh doanh... Không ít những con số thống kê được tô vẻ với thành tích vượt bậc, đáng khen ngợi. Không thiếu những lợi nhuận kinh doanh được báo cáo với đà tăng hằng năm… Nhưng đằng sau những con số đó là “nỗ lực” dàn xếp, thỏa thuận, báo cáo sai sự thật nhằm giấu giếm những cách làm sai, những vụ việc kinh doanh thua lỗ, tham nhũng, lãng phí… Rõ ràng, thói dối trá một khi không sớm được phát hiện sẽ gây những tác hại khôn lường đối với các hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nó khiến cho đạo đức của không ít cán bộ, công chức, lãnh đạo suy đồi, dẫn đến những hành vi tham ô, tham nhũng, làm ảnh hưởng đến hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị. Và trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thói dối trá mang lại lợi nhuận cho thiểu số những chủ doanh nghiệp nhưng lại gây tác hại vô cùng lớn đến hàng triệu người tiêu dùng.
Ngay trong thời điểm hiện nay, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) chỉ ra rằng, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí… Chính từ thực tế này mà BCH Trung ương Đảng đã yêu cầu chỉnh đốn công tác xây dựng Đảng, tăng cường việc tự phê bình và phê bình từ những cán bộ lãnh đạo cao nhất của Đảng đến những cán bộ, đảng viên bình thường. Bởi tự phê bình và phê bình là cách vạch trần thói dối trá, giúp mỗi người tự nhìn nhận lại mình, tự sửa đổi để không phạm phải những việc làm gian dối gây ảnh hưởng đến công việc và hình ảnh người công bộc của dân.
Như vậy, ngành Giáo dục đã đặt ra một tình huống không chỉ có ý nghĩa giáo dục đối với các em học sinh mà còn gây tác động xã hội lớn đối với cả những người đã trưởng thành. Nhưng liệu trên thực tế, thói dối trá có bị phanh phui, có dễ phát hiện khi kèm theo đó là những lợi ích cá nhân, là sự tồn tại của nhiều hành vi suy đồi đạo đức trong xã hội? Đáp án trên trang giấy thi thì dễ trả lời nhưng đáp án của cuộc sống chắc chắn khó tìm ra lời giải.
HÀ AN