Có lẽ trong giai đoạn suy thoái kinh tế hiện nay, doanh nhân là đối tượng bất an nhất bởi doanh nghiệp (DN) trong thời hội nhập rất dễ tìm thấy cơ hội phát triển nhưng cũng rất dễ bị tổn thương khi kinh tế biến động đi xuống.
Tại các diễn đàn kinh tế do Chính phủ, Quốc hội và các ngành chức năng tổ chức, DN đều tham gia với hy vọng tìm hướng đi cho riêng mình. Thế nhưng, đã có không ít thất vọng bởi ngay cả các chuyên gia tư vấn cũng thấy bất lực, thậm chí bức xúc vì quá trình bàn bạc kéo dài và khả năng thực thi của các giải pháp kiến nghị không triệt để. DN lao đao, khả năng cầm cự hay phục hồi còn chưa rõ. Vậy mà gần đây đã có tổ chức lợi dụng tâm lý những DN khó khăn muốn tìm lối thoát để tổ chức diễn đàn kinh tế mang tính thương mại.
Chỉ cách đây vài ngày, một công ty CP đầu tư có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh (nhưng chúng tôi không thể tìm thấy tên công ty trên web) đã tổ chức một hội thảo hoành tráng kỳ vọng thu hút 700 DN Đà Nẵng, Quảng Nam và Huế nhưng chỉ có 40 DN tham dự. Hội thảo đưa ra chương trình nghị sự gồm thông tin với DN về tình hình kinh tế thế giới và trong nước 6 tháng đầu năm, dự báo năm 2013 và hướng đi cho DN. Diễn giả là chuyên gia tư vấn cao cấp Văn phòng Chính phủ. Qua tìm hiểu một số DN tại hội thảo, chúng tôi được biết, nhà tổ chức đã gửi thư mời các DN tham gia với mức phí phải đóng là 800.000 đồng. Sau khi các DN không hưởng ứng thì nhà tổ chức gửi một số giấy mời và tất cả 40 DN đến dự đều mang theo giấy mời. Kết thúc hội thảo, các DN đều có chung câu trả lời rằng, diễn giả nói khá hay, nhưng thông tin không mới, còn nhà tổ chức thì họ chưa bao giờ nghe nói đến; phần đối thoại tìm ra hướng đi cho DN thì hoàn toàn bế tắc; chỉ vài DN bức xúc đặt câu hỏi nhưng không có người có trách nhiệm trả lời.
Có thể thấy 2 vấn đề nổi cộm. Thứ nhất, công tác quản lý Nhà nước về việc cho phép tổ chức các diễn đàn, hội thảo kinh tế đối với những đơn vị có uy tín cần được rà soát chặt chẽ hơn, tránh làm tràn lan, mất uy tín của diễn giả. Thứ hai, việc thông tin tình hình kinh tế thế giới và trong nước cũng như dự báo kinh tế đến cho các DN là trách nhiệm thuộc về Chính phủ cùng các ngành chức năng. Những thông tin này cần được chuyển tải kịp thời qua các phương tiện thông tin đại chúng, các Hiệp hội doanh nghiệp và các trang thông tin điện tử Chính phủ hoặc các diễn đàn do Nhà nước tổ chức.
Nếu để DN trong thời kỳ khốn khó phải đi mua những thông tin đã hoặc sẽ công khai thì không đúng với mục tiêu, ý nghĩa hỗ trợ DN của Chính phủ. Việc thương mại hóa thông tin theo kiểu DN trên thực hiện không giúp gì được cho DN mà còn làm DN thêm mệt mỏi vì mất tiền, mất thời gian mà chẳng giải quyết được gì.
THU PHƯƠNG