Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII xem ra chưa làm thỏa mãn cử tri. Mặc dù có những Bộ trưởng nhận trách nhiệm, hoặc cam kết “sẽ chỉ đạo làm rõ nguyên nhân”, nhưng cũng có vị “né” trách nhiệm bằng cách đổ lỗi cho luật. Dư luận đang chờ những động thái sau khi các Bộ trưởng thẳng thắn nhận trách nhiệm, chứ không dừng lại ở những lời hứa.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh nói rằng các vụ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sai phạm, Bộ không nắm được vì không có báo cáo và “vì trong luật cho họ quyết định các dự án đầu tư”. Phát biểu này minh chứng cho lỗ hổng lớn trong quản lý, sử dụng cũng như kiểm tra, giám sát tài sản của Nhà nước. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh “xót xa và trăn trở” khi đồng tiền của dân được các tập đoàn đó sử dụng, chi tiêu như tiền riêng. Song, nỗi niềm của vị tư lệnh này khó được dân cảm thông khi những đổ bể của Vinashin và Vinalines lần lượt bị phanh phui; vụ Vinashin với món nợ 86.000 tỷ đồng chưa lắng thì đến vụ Vinalines. Và biết đâu, với những lỗ hổng pháp lý như thế mà Bộ vẫn cứ vô can, không có động thái nào thật sự hiệu quả thì Bộ trưởng sẽ tiếp tục “xót xa và trăn trở” khi có thêm một Vina… khác. Rồi trách nhiệm của Bộ Tài chính trong các vụ việc; đó là chưa kể vụ Petro Việt Nam “quên” một cách lạ lùng vừa được công bố: “quên” nộp ngân sách 19.000 tỷ đồng (!?).
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở kỳ họp lần này, nhiều vấn đề được đặt ra, vấn đề nào cũng “nóng”: từ chuyện đất đai, môi trường, chuyện thương lái Trung Quốc, đến độc quyền điện và xăng dầu, phát triển thủy điện tràn lan, rồi vụ bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng… Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang liên tục lúng túng và hứa. Còn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nhiều lần nhận khuyết điểm, trách nhiệm. Điều bất ngờ nhất, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng nhận trách nhiệm trong chuyện bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng là “chưa thật sự sâu sát việc đánh giá, quản lý cán bộ, còn nóng vội, chưa cân nhắc thận trọng trong bối cảnh, thời điểm bổ nhiệm”. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu ngành GTVT nhận khuyết điểm về việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng. Trước đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng vẫn một mực khẳng định việc bổ nhiệm này đúng quy trình, thủ tục.
Xung quanh việc 10 năm nữa mới xóa được độc quyền điện (theo kế hoạch), sự cố Thủy điện Sông Tranh 2 gây nhiều bức xúc, thương lái Trung Quốc gây rối thị trường và đặt ra những quan ngại lớn, việc ông Dương Chí Dũng trốn thoát có thể do cơ quan điều tra để lọt thông tin…, cử tri vẫn chờ đợi sự thẳng thắn nhìn nhận và hành động “sửa sai” của các tư lệnh, hơn là sự đổ lỗi, né tránh. Chất vấn không phải là để săm soi, mà để làm rõ trách nhiệm đối với những khiếm khuyết, những sai phạm và để từ đó “sửa sai”. Có lẽ, điều khiến cử tri hài lòng nhất là khẳng định của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Mỗi một thất thoát, mỗi một hiện tượng nào không tốt trong xã hội, một con tàu đang đi ngoài khơi bị chìm, đến những máy bay bị nổ đều liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ”.
Chính phủ đã nhận trách nhiệm. Vậy mà có Bộ trưởng lại cho mình vô can. Nhận trách nhiệm để từ đó tìm biện pháp khắc phục là thể hiện trách nhiệm với dân, với đất nước nên rất cần sự trung thực, thẳng thắn của các Bộ trưởng. Có như thế mới tạo niềm tin cho nhân dân trong lúc cán bộ, đảng viên, cả quần chúng kỳ vọng rằng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đang được triển khai sẽ tạo nền tảng, động lực xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh hơn.
TÚ PHƯƠNG