Dư luận nước ta và cộng đồng quốc tế đều biết rất rõ, đi đôi với việc tung ra bản đồ hình lưỡi bò bao gồm cả khu vực Biển Đông thuộc chủ quyền của một số quốc gia trong khu vực, những năm gần đây, Trung Quốc đã có hàng loạt hành động sai trái như: ngăn chặn ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản trên vùng biển chủ quyền; cho các tàu hải giám gây hấn đe dọa tới an ninh của Việt Nam và an toàn tuyến vận tải hàng hải quốc tế; đưa giàn khoan khổng lồ vào thăm dò dầu khí ở khu vực đang tranh chấp...
Đặc biệt, Trung Quốc đẩy mạnh việc tăng cường lực lượng tàu hải giám, lực lượng hải quân, không quân và bộ binh, xây dựng các căn cứ quân sự trên một số đảo mà họ chiếm đóng trái phép của Việt Nam và vùng ven biển nước họ để chuẩn bị thực hiện mưu đồ thôn tính bằng hành động quân sự ở các vùng đảo còn đang tranh chấp hoặc thuộc chủ quyền quản lý của các nước có liên quan trong khu vực.
Tiếp theo hàng loạt những hành động gây phức tạp tình hình ở khu vực Biển Đông, Trung Quốc mới đây lại có việc làm sai trái, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam khi tuyên bố thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam) và huyện đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng, Việt Nam).
Trước những việc làm sai trái đó của Trung Quốc, Chính phủ và nhân dân Việt Nam nói chung, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng nói riêng đã kịch liệt phản đối. Việc làm của Trung Quốc là bước leo thang vô cùng nghiêm trọng, là vật cản nguy hiểm cho quá trình giải quyết tranh chấp ở khu vực Biển Đông bằng biện pháp hòa bình như chính họ đã lên tiếng cam kết với Việt Nam cũng như với cộng đồng quốc tế.
Đối với Hoàng Sa và Trường Sa, Chính phủ Việt Nam nhiều lần khẳng định là có đầy đủ cơ sở pháp lý cũng như chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi.
Mới đây, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự tiếp nối một số quy định trong các luật đã có trước đây của Việt Nam. Đây là một hoạt động lập pháp bình thường nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Chính phủ Việt Nam nhiều lần khẳng định là trước sau như một chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Chúng ta tin tưởng rằng, Trung Quốc cũng hành động như vậy vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
TUYẾT MINH