Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến vừa ký ban hành Quyết định 4503, trong đó quy định: “Nếu trễ hẹn trả kết quả từ hai lần trở lên mà không có lý do chính đáng, sẽ kỷ luật hoặc thay đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức; đồng thời buộc công chức, viên chức phải xin lỗi công dân bằng văn bản”...
Quyết định 4503 làm nức lòng người dân Đà Nẵng. Và có thể nói không quá rằng, cụm từ “phải xin lỗi công dân bằng văn bản” là một trong những chế tài hành chính giàu tính thực tế nhất, xác đáng nhất, mang đến nhiều ý nghĩa nhất cho một văn bản hành chính mới mẻ, rất đáng trân trọng.
Nền hành chính quan liêu là một vấn nạn thật sự đối với sự trong sạch, lành mạnh của xã hội ở nước ta lâu nay. Trong nhiều năm qua, Đà Nẵng luôn đi đầu trong cải cách hành chính. Vì vậy, Đà Nẵng đã và đang trở thành một trong những địa phương có môi trường sống tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, nói như ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ, mặc dù mức độ hài lòng của người dân đối với bộ máy công chức đã cao nhưng vẫn còn “vấn đề”. “Vấn đề” còn lại ở đây là Đà Nẵng hướng tới việc xây dựng một chính quyền của dân, do dân, vì dân thật sự chứ không phải vẫn tồn tại nhiều bất cập như lâu nay ở nhiều địa phương.
Việc xin lỗi dân nhìn qua tưởng như chuyện rất nhỏ nhưng thật ra có nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, nó mở đầu cho một thay đổi quyết định về nhận thức trong tư tưởng, nếp nghĩ của công chức, viên chức: Chính quyền do dân làm chủ và những người được giao thẩm quyền quản lý chỉ là người thừa hành trực tiếp nguyện vọng, ước muốn của người dân theo đúng nghĩa của hai từ “phục vụ”. Thứ hai, xin lỗi dân bằng văn bản thật sự là bước đột phá, chấm dứt tình trạng lời nói gió bay, không có cơ sở để truy xét trách nhiệm của công chức; tức là bảo đảm một cách chắc chắn, rõ ràng rằng sẽ chấm dứt tình trạng “một số cán bộ làm sai” rất chung chung trước kia. Kể từ nay, mỗi công chức sẽ nhận rõ vai trò, trách nhiệm cụ thể, không thể đùn đẩy bất cứ sai sót nào cho một hay nhiều nguyên nhân khách quan mơ hồ nào đó. Thứ ba, cùng với việc công khai đường dây nóng, số điện thoại của bí thư, chủ tịch ở địa phương; lắp đặt hệ thống camera giám sát mọi hoạt động của công sở thì khả năng trong sạch hóa đến mức tối ưu hoạt động của bộ máy là điều có thể nhìn thấy được. Thứ tư, có không ít trường hợp người dân phản ánh sai hoặc không loại trừ ý đồ xấu muốn vu khống, gây nên những hiểu lầm đáng tiếc thì giờ đây, mọi sai phạm kiểu đó mặc nhiên sẽ chấm dứt. Những phàn nàn đáng tiếc, thiếu căn cứ sẽ không còn chỗ để tồn tại, giảm bớt rất nhiều vụ việc khiếu nại không đáng có. Thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, những phản ánh thiếu chính xác, thiếu cơ sở chiếm tỷ lệ không hề nhỏ, khoảng từ 10 - 15% tổng các vụ khiếu kiện. Thứ năm, trao đổi với phóng viên Báo Lao động, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến khẳng định: “Cán bộ, công chức làm sai phải xin lỗi dân, đây là chuyện không có gì xấu hổ mà là một cử chỉ rất văn hóa, mang tính truyền thống của người dân Việt Nam”. Nói cách khác, việc xin lỗi dân vừa chấm dứt được sự lộng quyền, lạm quyền, vừa góp phần nâng cao tầm văn hóa của đội ngũ công chức, viên chức. Còn gì tốt đẹp hơn khi Đà Nẵng vừa tạo hành lang hành chính thông thoáng, lại vừa tạo sự đột biến để các giá trị văn hóa tốt đẹp!
Thực tế cho thấy, ở đâu có mối quan hệ chính quyền - người dân đồng cảm và tôn trọng lẫn nhau thì ở đó, hoạt động của chính quyền - xã hội càng tốt đẹp. Xét trên tất cả mọi giá trị nhìn thấy được và cả những giá trị chưa hình dung hết được, Quyết định 4503 thật sự là một văn bản rất đáng được trân trọng, minh chứng rằng Đảng bộ, chính quyền thành phố Đà Nẵng đang làm hết sức mình vì mục tiêu dân giàu, thành phố trong sạch, xã hội tốt đẹp, văn minh...
HÀ VĂN THỊNH