.

16.500 tỷ và 202.000 tỷ, và…

16.500  tỷ đồng là con số về sụt giảm lợi nhuận trong năm  2012 của các ngân hàng, nếu thực hiện yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc giảm các khoản cho vay cũ về 15% từ ngày 15-7. Còn 202.000 tỷ đồng (tương đương với 8,6% dư nợ toàn hệ thống) là con số nợ xấu của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, số nợ xấu của các ngân hàng, được thanh tra NHNN đưa ra chỉ tính đến ngày 31-3 chứ không phải 6 tháng đầu năm. Vì vậy, đã có những số liệu vênh nhau về nợ xấu của các ngân hàng. Cụ thể, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tính đến ngày 31-5, nợ xấu là hơn 117.000 tỷ đồng, chiếm 4,47% tổng dư nợ. Trong khi đó, tại diễn đàn Quốc hội, Thống đốc NHNN báo cáo nợ xấu toàn ngành khoảng 10%... Dù gì đi nữa thì nợ xấu của các ngân hàng tính đến thời điểm này là rất lo ngại.

Song, điều được quan tâm nhất hiện nay chưa phải con số nợ xấu của các ngân hàng mà là tình hình hoạt động của các doanh nghiệp. Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2012, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh là 26.324, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đáng chú ý là số lượng doanh nghiệp còn lại cũng hết sức khó khăn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng. Năm 2010, tăng trưởng tín dụng cả nước là 33% thì năm 2011 chỉ còn 14%. Còn tín dụng 6 tháng đầu năm 2012 chỉ tăng 0,76% so với đầu năm. Một con số rất thấp, chưa đạt với sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp.

Vì vậy, khó khăn lớn nhất hiện nay là tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, doanh nghiệp khó khăn về tài chính và ngày càng yếu đi, dẫn tới khả năng đình đốn, thu hẹp sản xuất, thậm chí phá sản. Điều này chắc hẳn các ngân hàng cũng không mong muốn, nên việc phải giảm 16.500 tỷ đồng lợi nhuận để cứu hàng trăm nghìn tỷ đồng nợ khác là việc đáng làm.

Thật ra, không phải để đến lúc này các ngân hàng mới nên xem xét cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp mà việc làm này cần phải làm từ trước đó rất lâu, thì có lẽ con số 26.324 doanh nghiệp giải thể, phá sản 6 tháng đầu năm đã giảm xuống rất nhiều…

Với lý thuyết, chỉ cần chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động từ 3 - 4% thì ngân hàng có thể bảo đảm bù đắp chi phí và có lãi. Thực tế, lâu nay tỷ lệ này lên đến trên 10%. Và kết quả là ngân hàng lãi “khủng”, còn người gửi tiền thì thiệt đơn, thiệt kép, doanh nghiệp khốn đốn vì lãi suất cao.

Mặc dù lãi suất cho vay đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, đặc biệt tỷ trọng dư nợ có lãi suất cao vẫn còn lớn. Một nghịch lý trên thị trường tiền tệ là các ngân hàng thương mại (NHTM) liên tiếp công bố những mức lãi suất rẻ nhưng lãi suất của khoản nợ cũ (chiếm tỷ trọng lớn) trước đây còn cao. Chính vì thế, doanh nghiệp rất kỳ vọng vào việc điều chỉnh lãi suất 15% theo yêu cầu của NHNN. Trên thực tế, giải pháp này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch lợi nhuận 6 tháng cuối năm, nhưng các NHTM phải chấp nhận vì lợi ích chung và phải chia sẻ cùng với doanh nghiệp. Có thể nói rằng, chỉ mới một vài ngân hàng chính thức thông báo đồng thuận với yêu cầu của Thống đốc NHNN nhưng thông tin trên đã tạo ra luồng sinh khí mới trong sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp và khách hàng vay vốn đã lên tiếng ủng hộ chủ trương này. Việc giảm lãi suất cho các khoản vay cũ dù mức độ nào cũng đều có giá trị cho người vay, nhất là trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay.

Và như thế, theo quy luật cộng sinh, doanh nghiệp sống, ngân hàng mới tồn tại; cứu doanh nghiệp trong lúc này chính là cứu ngân hàng. Vì vậy, con số giảm 16.500 tỷ đồng để cứu hàng trăm nghìn tỷ đồng khác là việc đáng làm.

PHƯƠNG UYÊN

;
.
.
.
.
.