.

Bước leo thang nguy hiểm

Tình hình Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp, chứa đựng những cơn sóng ngầm hung dữ khi Trung Quốc có những hành động đi ngược lại những gì mà họ tuyên bố. Trong khi trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, Trung Quốc luôn rêu rao rằng, Bắc Kinh mong muốn chung sống hòa bình, hữu nghị, hợp tác với các nước, giải quyết các bất đồng, tranh chấp, nhất là Biển Đông với các nước liên quan bằng biện pháp hòa bình, không làm các vấn đề đang gây tranh cãi trở nên phức tạp…

Thế nhưng thực tế, Trung Quốc lại có những hành động, việc làm  trái ngược hoàn toàn, đẩy các sự kiện liên quan đến khu vực Biển Đông tới những bước leo thang vô cùng nguy hiểm.

Tiếp theo các vụ gây hấn với các nước có liên quan như Việt Nam, Philippines, rồi tự tuyên bố chủ quyền, thành lập “thành phố Tam Sa”…, mới đây, Trung Quốc lại có hàng loạt các hành động khác như ồ ạt đưa 30 chiếc tàu đánh cá tới quần đảo Trường Sa của Việt Nam; đưa tàu đổ bộ tiếp cận các vùng đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam; vũ trang hàng ngàn vũ khí cho lực lượng cái gọi là ngư dân, mà thực chất là lính chính quy; xây dựng mạng điện thoại 3G ở Hoàng Sa; lập cơ quan chỉ huy quân đội khu vực Biển Đông cùng nhiều hành động leo thang khác. Đặc biệt, bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế, ngày 23-7, Trung Quốc đã tiến hành kỳ họp lần thứ nhất HĐND khóa I của cái gọi là “thành phố Tam Sa” tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, để thông qua các chương trình công tác liên quan và bầu ban lãnh đạo chính thức của đơn vị hành chính này. Ngày 24-7, Trung Quốc chính thức thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”.

Tất cả những thái độ và hành động đó của Trung Quốc một lần nữa cho thấy mưu toan muốn biến toàn bộ Biển Đông thành ao nhà của họ. Dư luận Việt Nam và thế giới đều thấy rất rõ, nhiều năm qua, Trung Quốc đã không từ một hành vi, thủ đoạn thâm độc nào dù lớn hay nhỏ, dù biết trái với thực tế, trái với luật pháp và công ước quốc tế, kể cả việc mua chuộc, phân hóa các quan hệ… sẽ bị các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế phản đối, không chấp nhận, nhưng vẫn cố tình làm ngơ để đạt cho được mục tiêu là khẳng định chủ quyền Biển Đông theo bản đồ hình lưỡi bò mà họ tự vẽ.

Chính những hành động vô trách nhiệm, không tôn trọng luật pháp và công ước quốc tế của Trung Quốc đã làm tình hình Biển Đông trở nên phức tạp và nguy hiểm. Động thái này đi ngược lại với xu thế của thời đại là hòa bình và phát triển, cùng nhau giải quyết các bất đồng, tranh chấp thông qua con đường đàm phán chứ không phải bằng bạo lực chiến tranh để tước đoạt chủ quyền lãnh thổ của nước láng giềng. Hơn thế, Trung Quốc là nước lớn, thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ thì càng phải có trách nhiệm trong lời nói và hành động, không thể bất chấp tất cả để mưu toan cho những lợi ích đen tối của mình.

Việc làm của Trung Quốc sẽ bị cộng đồng quốc tế lên án và không bao giờ chấp nhận. Đối với Việt Nam, Chính phủ đã nhiều lần tuyên bố khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Là thành viên có trách nhiệm trong khối ASEAN và LHQ, Việt Nam luôn mong muốn giải quyết các tranh chấp với các nước liên quan bằng biện pháp hòa bình trên tinh thần tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Song, Chính phủ và nhân dân Việt Nam cũng quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đến cùng như cha ông đã từng chiến đấu, hiến dâng trọn đời mình để gìn giữ bờ cõi suốt cả chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.