.

Chính sách nhân văn

Trong các tờ trình do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh trình bày tại kỳ họp thứ 4 HĐND thành phố khóa VIII khai mạc sáng 3-7, có một nội dung được nhiều người quan tâm, bởi tính nhân văn sâu sắc cùng cách làm đột phá của Đà Nẵng. Đó là việc xin ý kiến HĐND để hỗ trợ một lần cho 239 trường hợp đã cai nghiện ma túy thành công với mức 2 triệu đồng/người và từ ngày 1-3-2012, các trường hợp cai nghiện ma túy thành công (có thời gian sau cai đủ 5 năm trở lên và không tái nghiện) được hỗ trợ 10 triệu đồng/người/lần. Lý do chính đáng được đưa ra là qua khảo sát 360 người cai nghiện thành công (tính đến ngày 1-3-2012), có 239 người sau 5 năm trở lên không tái nghiện. Song, đa số những người đã cai nghiện ma túy thành công đều có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, việc UBND thành phố đưa ra chính sách nhân văn này nhằm kịp thời động viên, khuyến khích những người sau cai nghiện vượt khó, vươn lên không tái nghiện.

Chưa nói đến việc chính sách đi vào cuộc sống sẽ là một trong số những giải pháp tích cực để góp phần thực hiện Đề án “Không có người nghiện ma túy trong cộng đồng” mà thành phố kiên trì theo đuổi hơn 10 năm qua, thì việc hỗ trợ trong giai đoạn này đã cho thấy tính nhân văn trong cách làm của thành phố.

Đó là, nhìn vào bối cảnh kinh tế - xã hội của thành phố giai đoạn hiện nay, nhất là các nguồn thu đang gặp khó khăn, khó hoàn thành chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm, đời sống của một bộ phận nhân dân đang gặp nhiều nỗi lo; chủ trương cắt giảm chi tiêu công, chi thường xuyên được thực hiện một cách ráo riết theo chủ trương “thắt lưng buộc bụng” để qua thời gian khó..., thì việc đưa ra chính sách hỗ trợ người cai nghiện ma túy thành công với nguồn ngân sách thành phố là nỗ lực lớn của chính quyền. Mặc dù số tiền chỉ khoảng hơn 2,8 tỷ đồng chi cho năm nay, nhưng đó là sự tính toán rất nhân văn, khi nhìn thấy được những khó khăn, những nỗ lực vô cùng to lớn và đáng trân trọng của những người vì nhiều lý do mà phải vướng vào vòng vây của ma túy.

Đó là, cùng với những chính sách hỗ trợ cho người hành nghề xích lô, xe thồ, lập quỹ vay vốn cho người mãn hạn tù hình sự, xây dựng nguồn vốn vay ưu đãi cho phụ nữ nghèo..., chính quyền cũng như người dân thành phố đã nhìn nhận đúng đắn tinh thần trách nhiệm và sự cố gắng vươn lên của những người nhận được sự hỗ trợ - mặc dù không lớn nhưng vô cùng quý báu và kịp thời! Vượt qua những lỗi lầm, được sự quan tâm và hỗ trợ của thành phố, mỗi người đều cảm thấy mình phải có trách nhiệm trong sự phát triển đi lên từng ngày của Đà Nẵng, cảm nhận được từng giọt mồ hôi, cả từng giọt máu của mình trong nỗ lực vượt qua những rào cản về vật chất lẫn tinh thần. Trong từng đồng vốn hỗ trợ lấy từ ngân sách thành phố đó, có những đồng tiền lẻ của các tiểu thương ngày đêm lăn lộn, đổ mồ hôi trên sạp hàng ngoài chợ đóng vào khoản thuế, có những đồng tiền tiết kiệm của công chức thời “thắt lưng buộc bụng”, là sự cắt giảm đầu tư công ở những dự án, công trình công cộng, dân sinh... cần vốn cấp bách.

Vì thế, điều cần thiết là phải vừa hỗ trợ, động viên kịp thời cho những người nghiện thành công, vừa qua đó để họ thấy được tấm lòng chân thật, sự kề vai sát cánh của từng người dân và chính quyền thành phố trong quá trình gian nan vươn lên trong cuộc sống của họ. Trong quá trình đó, họ không đơn độc, không bị cộng đồng xa lánh, rũ bỏ... mà luôn sống trong tình thương và trách nhiệm. Từ đó, những người cai nghiện thành công sẽ là tấm gương soi rọi cho những người đang cai, những người đang nghiện và cả những người đang chập chững bước vào con đường tệ nạn khó dứt bỏ này.

Có như vậy, chủ trương lớn “Không có người nghiện ma túy trong cộng đồng” của “Thành phố 5 không”, và lớn hơn nữa là xây dựng một Đà Nẵng “an bình, đáng sống” mới đi từng bước đến thành công trong quá trình xây dựng Đà Nẵng hiện đại, văn minh!

ANH QUÂN
 

;
.
.
.
.
.