Đây không chỉ là nghĩa bóng mà cả nghĩa đen. Dành thời gian còn lại ngay khi tiếp thu ý kiến sau các buổi tiếp xúc cử tri cuối tuần qua, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh đã đi cùng các cử tri đến những “điểm nóng”, gây bức xúc trong thời gian qua nhưng chưa được giải quyết triệt để. Đây là những vấn đề mang tính phổ biến trong quản lý, điều hành của chính quyền các địa phương; liên quan mật thiết đến đời sống xã hội của thành phố, được cử tri phản ánh nhiều; cần được quan tâm, giải quyết một cách căn cơ.
Đó là vấn đề giáo dục cũng như phân bổ dân cư với tình trạng xuống cấp, quá tải ở Trường mẫu giáo Anh Đào (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu); là những bất cập trong thực hiện dẫn đến tình trạng ô nhiễm trong khu dân cư thể hiện qua hệ thống mương thoát nước ở tổ 39 (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu); là chuyện “nhà sinh hoạt cộng đồng” luôn nóng bỏng cũng như thực hiện dân chủ cơ sở “dân biết, dân bàn, làm làm, dân kiểm tra” trong xây dựng nhà sinh hoạt tổ dân phố 21 và 22, phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu)...
Từ những hiện tượng cụ thể như vậy, có thể rút ra những bài học chung trong cách quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện những chủ trương, chính sách trong đời sống xã hội... ở tận cơ sở. Đây là những vấn đề mà các đại biểu (ĐB) dân cử cần nắm bắt để vừa giải quyết những hiện tượng cụ thể, vừa góp phần tích cực vào việc hoạch định những chính sách đúng đắn cho sự phát triển chung của thành phố.
Qua các buổi tiếp xúc với ĐB HĐND thành phố, cử tri hoan nghênh trước việc các ĐB đã ngày càng gần dân, bám sát cơ sở để từ đó thực hiện đầy đủ trách nhiệm mà cử tri giao phó. Bằng cách này hay cách khác, trực tiếp hay gián tiếp... với trách nhiệm và quyền hạn của mình, nhiều ĐB đã “đi cùng cử tri”, tích cực bám sát cơ sở, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, tham gia có trách nhiệm vào việc giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng của thành phố. Trong tình hình đời sống đang gặp khó khăn như hiện nay, trong đòi hỏi bức thiết phải giải quyết nhiều vấn đề cùng lúc nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố... rất cần những ĐB tâm huyết, có trách nhiệm như thế, để cử tri ngày càng vững tin hơn.
Thế nhưng, không phải lúc nào và ở đâu, các ĐB cũng thể hiện rõ ràng và có trách nhiệm vai trò của một ĐB dân cử, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của cử tri - người đã từng tín nhiệm bỏ phiếu cho mình trong ngày hội bầu cử diễn ra cách đây vừa tròn một năm. Đó không chỉ là năng lực hạn chế, mà chính là do tâm huyết chưa dành trọn cho cử tri, hoặc có những vướng mắc “không thể nói ra”... mà ĐB không làm tròn bổn phận được cử tri tin tưởng giao. Vì thế, những nội dung trong chính chương trình hành động do ứng cử viên - nay đã là ĐB HĐND thành phố, trình bày trước cử tri, dường như có dấu hiệu rơi vào quên lãng. Nếu cứ tiếp tục tình trạng này, thì những hạn chế trong hoạt động được đúc kết tại kỳ họp tổng kết HĐND thành phố khóa VII (2004-2011); trong đó có nội dung các ĐB HĐND thành phố chưa sâu sát cơ sở, chưa thực hiện hết trách nhiệm, chưa gần dân, sát dân và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân... cơ hồ tiếp tục lặp lại.
Trong bối cảnh Đà Nẵng là một trong 10 địa phương của cả nước thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường; trong tình hình chức năng giám sát, phản biện xã hội... của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân còn chưa được phát huy một cách tích cực và đầy đủ, thì sự kỳ vọng của cử tri vào ĐB HĐND thành phố ngày càng lớn; trong đó có sự kỳ vọng vào việc thể hiện quyền lực Nhà nước của ĐB trước những vấn đề bức xúc và nhạy cảm của đời sống xã hội.
Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, trách nhiệm của ĐB HĐND thành phố cần được thể hiện một cách rõ ràng, cụ thể để cử tri yên tâm và tin tưởng. Trách nhiệm đó, không chỉ thể hiện tại những kỳ họp của HĐND thành phố, mà cả quá trình ĐB “đi cùng cử tri” trong nhiệm kỳ của mình!
ANH QUÂN