Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong khi các doanh nghiệp (DN) liên tục than không có vốn để sản xuất thì 5 tháng đầu năm 2012, hệ thống ngân hàng cả nước lại rơi vào tình trạng tăng trưởng tín dụng âm 2,7%, nhưng vốn huy động tăng 5,8%. Tỷ lệ nợ xấu tăng cao so với đầu năm (52,81%), khiến các ngân hàng thương mại co cụm lại, trích lập quỹ dự phòng, không yên tâm với chất lượng tín dụng và phải chuyển sang hình thức đầu tư cho vay liên ngân hàng, mua trái phiếu Chính phủ thay vì đưa tiền cho DN. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từng tuyên bố đưa lãi suất huy động cuối năm 2012 về 10% nhưng mới 6 tháng, tỷ lệ này chỉ còn 9%. Đây được xem là cơ hội để ngân hàng và DN liên kết, hỗ trợ để cải thiện thị trường tài chính tín dụng và sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, để nhu cầu của ngân hàng thương mại và doanh nghiệp gặp nhau thì cần có cơ chế tiếp cận thông tin đối với các DN.
Ông Lê Diệp, Giám đốc Ngân hàng Vietcombank Đà Nẵng, vừa công bố gói hỗ trợ 9.000 tỷ đồng cho DN vừa và nhỏ đang cần khách hàng để mở rộng. Trong đó, gói 3.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn dưới 3 tháng và gói 6.000 tỷ dành cho vay từ 6 tháng trở lên; lãi suất sẽ bảo đảm thấp hơn lãi suất công bố thông thường hiện hành.
Buôn có bạn, bán có phường, vậy mà thực tế tất cả các chủ trương, chính sách trong hệ thống ngân hàng Nhà nước liên quan đến lợi ích của cả ngân hàng lẫn DN đều không đến trực tiếp DN. Ngay cả các tổ chức quốc tế cũng cho rằng, hệ thống văn bản liên quan đến tài chính tín dụng của Ngân hàng Nhà nước mới chỉ dừng lại phổ biến trong các tổ chức tín dụng, khiến DN khó đồng cảm, đồng thuận với ngân hàng và mơ hồ về cơ chế tháo gỡ khó khăn cho DN. DN từ trước đến nay chỉ tiếp cận thông tin qua báo chí, nên cho dù các ngân hàng lớn công bố các gói hỗ trợ thì DN vẫn không dễ tiếp cận vì có nhiều rào cản về chủ trương không được nắm bắt.
Chẳng hạn, điều 8 trong Nghị quyết 13 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ, cho vay mới trả nợ cũ, nhưng theo lý luận, các ngân hàng cho rằng nợ xấu là chốt chặn cuối cùng để kiểm tra sức khỏe DN và nền kinh tế. Vì vậy, ngày 20-6, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản 3739 về việc thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng theo chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 13/NQ-CP; trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng không được cho vay mới để trả nợ cũ với mục đích che giấu nợ xấu. Nếu tất cả các chủ trương, chính sách vòng vo như thế này chỉ đến với các tổ chức tín dụng thì DN không biết đâu mà lần đường tìm đến dòng vốn có nhu cầu cho vay. Khi thông tin không được phổ biến trực tiếp đến DN trong điều kiện có quá nhiều thay đổi, biến động hiện nay thì quy luật cung cầu của thị trường giữa hệ thống ngân hàng thương mại và DN chưa thể tự sinh kịp thời và đúng định hướng.
THU PHƯƠNG