Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, Đà Nẵng đã đón trên 1,3 triệu lượt du khách, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với du khách đường biển, lượng khách đi bằng đường hàng không đã có bước tăng trưởng mạnh đến 150% với hơn 47.000 lượt, góp phần đáng kể vào lượng khách du lịch đến Đà Nẵng. Có thể nói, chưa bao giờ Đà Nẵng lại sôi động với những đường bay quốc tế như hiện nay, với sự góp mặt của 8 đường bay từ các nước trên thế giới.
Trong số 3 đường bay ổn định đến Đà Nẵng, 2 đường bay tỏ ra hoạt động khá hiệu quả là Kuala Lumpur - Đà Nẵng do Hãng Air Asia khai thác với 4 chuyến/tuần mang đến khoảng 2.000 lượt khách mỗi tháng; Icheon - Đà Nẵng do 2 hãng Korean và Asiana Airlines khai thác với tổng tần suất 7 chuyến/tuần cũng chở theo lượng khách tương đương. Trong khi đó, đường bay Singapore - Đà Nẵng - Siem Riep do Silk Air khai thác 4 chuyến/tuần và 5 đường bay thuê chuyến khác mang lại khoảng 600-900 người/tháng đến Đà Nẵng từ Nga và thị trường Trung Quốc như Quảng Châu, Nam Kinh, Thượng Hải. Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch (TTXTDL) Đà Nẵng chia sẻ, một loạt hoạt động xúc tiến du lịch của Đà Nẵng tại nước ngoài như tham dự hội chợ du lịch, gặp gỡ các đối tác nước ngoài, giới thiệu hình ảnh Đà Nẵng và các sản phẩm du lịch đã mang lại kết quả khả quan. Ngày càng có nhiều du khách nước ngoài biết đến Đà Nẵng và các hãng hàng không xúc tiến mở những đường bay trực tiếp đến thành phố, sau khi cử các đoàn famtrip bao gồm các hãng lữ hành và báo chí đến khảo sát cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ cũng như các thắng cảnh, điểm đến của Đà Nẵng.
Một trong những đường bay mới nhất nhưng mang lại hiệu ứng khá tốt là đường bay thuê bao trực tiếp từ Nga, sau khi khai trương chuyến bay đầu tiên đến Đà Nẵng vào tháng 5-2012. Theo nhiều nhà kinh doanh du lịch, khách Nga đánh giá khá cao sản phẩm, môi trường và cơ sở vật chất du lịch Đà Nẵng. Vì vậy, nhiều người trong các đoàn khách trên mỗi chuyến bay đã chuyển hướng sang tham quan và lưu trú tại Đà Nẵng thay vì ở các địa phương miền Trung khác. Tuy nhiên, một trong những điểm yếu của Đà Nẵng là có mức giá lưu trú khá cao và không thuận tiện cho việc mua sắm, khi các cơ sở dịch vụ nằm cách xa nhau.
Thực ra, không chỉ khách Nga, mà đó là ý kiến của rất nhiều thị trường khách quốc tế trước khi quyết định chọn Đà Nẵng làm điểm đến chính. Giá phòng khách sạn, thường chiếm tỷ trọng không nhỏ trong gói dịch vụ khi mua tour, đã góp phần đẩy giá tour lên cao, khiến Đà Nẵng không có lợi thế giá rẻ để cạnh tranh cùng các điểm đến khác. Đặc biệt, vào những thời điểm như lễ, Tết, pháo hoa... giá phòng lại trở thành nỗi ám ảnh của những người xây dựng tour. Và về lâu về dài, nếu các doanh nghiệp khách sạn không cùng ngồi lại để đưa ra một mức giá bình ổn và phù hợp với chi tiêu của nhiều dạng khách, Đà Nẵng sẽ “thua” ngay từ lúc mới chào giá. Bên cạnh đó, việc thiếu một hệ thống dịch vụ bao gồm: ăn uống, vui chơi giải trí, mua sắm... theo một chuỗi liên hoàn đã kéo chỉ số hấp dẫn của du lịch Đà Nẵng xuống thấp. Ý tưởng về một phố đêm quy tụ tất cả các loại hình trên vào cùng một không gian đã được ngành du lịch Đà Nẵng đưa ra, nhưng chưa biết bao giờ sẽ thành hiện thực. Trước đây, một số đường bay quốc tế sau khi mở vài chuyến thuê bao đến Đà Nẵng đã dừng lại do không khai thác được nhiều khách. Nếu Đà Nẵng không làm hài lòng các vị khách trên những chuyến thuê bao, khả năng các đường bay sẽ dừng trước thời hạn, hoặc một đi không quay lại sẽ không quá khó hiểu.
Vừa qua, Sở VH-TT&DL Đà Nẵng tham gia một hội chợ quốc tế tại Nga vào tháng 5 để hỗ trợ duy trì đường bay; dự Hội chợ ITE&MICE Hong Kong để xúc tiến mở lại đường bay Hong Kong - Đà Nẵng đã từng có mặt tại Đà Nẵng cách đây không lâu. Hy vọng đường bay Hong Kong - Đà Nẵng dự kiến mở vào tháng 7 sẽ góp thêm sự sôi động cho thị trường khách quốc tế của Đà Nẵng. Bên cạnh các hoạt động quảng bá thì xây dựng một chất lượng dịch vụ hoàn hảo để duy trì các đường bay lại càng là điều quan trọng hơn nữa.
TRIÊU NHAN