.

Giá trị của tự do

Lần thứ hai Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh gặp gỡ, nói chuyện chân tình với 176 thiếu niên chậm tiến của thành phố sau khi các em tận mắt thấy những gì đang diễn ra bên trong Trại tạm giam Hòa Sơn. Đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng là địa phương duy nhất trong cả nước áp dụng biện pháp này để giáo dục, cảm hóa thiếu niên chậm tiến. Sự tác động trực tiếp từ việc “dạo thăm” trại giam, nhìn thấy những phạm nhân đang mất tự do, bị giam cầm sau song sắt đã, đang và sẽ khiến những thiếu niên này thức tỉnh và hiểu rằng, những sai lầm, bồng bột sẽ phải trả bằng cái giá rất đắt.

Sau chuyến đi lần thứ nhất của hơn 280 thiếu niên chậm tiến năm 2010, chuyến đi này cũng không có ý nghĩa nào khác ngoài việc giúp các em từng phạm sai lầm hiểu rõ sự nghiêm khắc của pháp luật và giá trị của tự do. Theo Thượng tá Trần Thanh Thảo, Giám thị Trại tạm giam Hòa Sơn, người đưa những thiếu niên chậm tiến dạo một vòng quanh trại giam thì “nhìn trong ánh mắt các em có sự trăn trở, bâng khuâng”. Các em đang được tự do quan sát những người mất tự do. Chính từ đó, mỗi em sẽ thấy rằng, cuộc sống của người tù thật sự vất vả và nhận ra, mình may mắn hơn nhiều người khác.

Có lẽ các em chưa hiểu tại sao mình lại được chính quyền quan tâm nhiều đến thế và có lẽ cũng chưa biết mình phải làm gì để sống tốt hơn. Thế nhưng, đối với lãnh đạo, chính quyền thành phố, các em chính là những công dân Đà Nẵng, là chủ nhân của thành phố - những người sẽ góp phần quan trọng vào sự phồn vinh của Đà Nẵng trong tương lai. Chính vì vậy, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã phê phán rằng, trong khi mỗi người dân thành phố đang nỗ lực xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống thì các em lại là một trong những tác nhân gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của thành phố. Nói là vậy, nhưng trong suy nghĩ hiện tại của các em thì việc thỏa mãn được ý thích của mình hay không lại là điều đáng quan tâm nhất, chứ chưa nghĩ sâu xa đến câu chuyện xây dựng thành phố. Hiểu được tâm lý đó, Bí thư Thành ủy cũng chỉ nhắc nhở: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”. Chỉ cần các em tiếp tục học hành, làm con ngoan, trò giỏi là được. Và nếu có làm việc thì dù làm thợ hồ, công nhân vệ sinh môi trường, người lao động phổ thông… cũng đều góp công xây dựng thành phố.

Trong khi người lớn trăn trở về số phận và tương lai của các thiếu niên chậm tiến thì chính các em cũng không thoát khỏi những tâm trạng buồn lo. Cha mẹ ly hôn, thiếu sự dạy dỗ, chăm sóc của người thân là nguyên nhân khiến các em tự cô lập trước những đấng sinh thành. Không thiếu những bậc phụ huynh thiếu kỹ năng dạy bảo trẻ nên những lời trách mắng, thậm chí những hành vi đánh đập đã đưa các em vào thế cô đơn, cảm thấy bị ruồng bỏ. Cũng từ đó, sự lôi kéo của kẻ xấu bên ngoài sẽ nhanh chóng đưa các em vào con đường phạm tội. Làm gì đây khi những đứa trẻ còn chưa hiểu sự đời liên tục phạm sai lầm trong khi các đấng sinh thành trở nên bất lực? Cái giá của sự tự do, liệu các em hiểu được đến đâu? Trại giam kia có “nắn gân” và kiềm hãm được những hành vi sai lầm mà các em đã và có nguy cơ phạm phải? Cách tốt nhất, theo những người từng theo sát, giúp đỡ các em là gần gũi, tâm sự, kiên trì thuyết phục, dạy bảo các em, đến với các em bằng tình thương, bằng sự chia sẻ đầy thiện chí. Các em cũng như những con chim non bị thương trong tâm hồn. Vì thế, để các em cởi mở hơn và thổ lộ những tâm tư, nguyện vọng của mình thì chính người lớn phải xóa bỏ mọi thành kiến, trở thành những người thân của các em. Trên thực tế, nhiều em khi đã phạm sai lầm, bị “liệt” vào danh sách thiếu niên hư thì tâm lý mặc cảm, tự ti cứ đeo bám mãi. Nếu mỗi người thân trong gia đình và những người chịu trách nhiệm giúp đỡ các em không kiên trì, nhẫn nại thì sẽ khó lấy được niềm tin của các em; và cũng sẽ khó giúp các em trưởng thành, vượt qua mặc cảm về sai lầm đã qua. Chuyến đi lần này có thật sự là bài học thực tế sống động cho thiếu niên chậm tiến hay không? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước. Nhưng chắc hẳn, mỗi tâm hồn non trẻ ấy cần có ngọn đuốc sáng dẫn đường, cần những người trưởng thành chỉ lối để các em tự do sống và tự do làm những điều có ích cho đời.

HÀ AN
 

;
.
.
.
.
.