.

Lãi suất cho vay sẽ lùi về 10%/năm?

Điều này là hoàn toàn khả thi, bởi hai lý do chính: Thứ nhất, lạm phát đang có chiều hướng giảm mạnh. Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 7-2012 cả nước giảm 0,29% so tháng trước, là tháng thứ hai liên tiếp giảm, đồng thời là tháng giảm duy nhất so cùng kỳ trong vòng 9 năm qua. Chỉ số CPI sau 7 tháng chỉ tăng 2,2% so đầu năm và thấp nhất so cùng kỳ của 8 năm trước đó. Đến thời điểm này có thể dự báo những tác nhân gây bất lợi đến chỉ số CPI dường như không lớn và CPI có khả năng dừng bước ở mức tối đa 6% vào cuối năm nay.

Thứ hai, lý do quan trọng khác mang tính chất thị trường nhiều hơn. Đó là sau khi có chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu hạ lãi suất cho vay cũ về 15%, xu thế giảm lãi suất đang diễn ra khá mạnh mẽ, nhất là ở những ngân hàng lớn. Kêu gọi của Thống đốc được ghi nhận như sự kích hoạt mang tính toàn hệ thống hơn là mệnh lệnh hành chính, rốt cuộc đã tạo ra sức ép cạnh tranh, có tác dụng lôi kéo nhiều ngân hàng tự nguyện nhập cuộc nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng. Nhiều gói lãi suất thấp dưới 15% được tung ra nhằm tiếp thị những khách hàng tốt sẽ là tiền đề thuận lợi góp phần đẩy nhanh tiến trình hạ lãi suất cho vay ngắn hạn về mức 10%, lãi suất trung dài hạn không quá 12%/năm là điều hoàn toàn hợp lý. Nếu tình hình tiếp tục ổn định, dự báo việc tháo dỡ trần lãi suất trong năm 2013 sẽ khả thi.

Băn khoăn lớn nhất hiện nay của NHNN là phải xử lý đồng bộ việc kiểm soát lạm phát, đi đôi với ổn định tỷ giá, bảo đảm thanh khoản vững chắc cho hệ thống ngân hàng. Tình hình hiện nay đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải chủ động, nhanh nhạy nắm bắt diễn biến tình hình thực tiễn, để có phản ứng phù hợp. Chủ trương giảm lãi suất cho vay là đúng hướng, đáp ứng được nhu cầu bức xúc nhằm hỗ trợ đà hồi phục và tăng trưởng sau một thời gian dài áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ - tài khóa, tạo điều kiện mở rộng tín dụng trong bối cảnh đầu ra đang vấp phải rất nhiều lực cản bởi thực trạng suy giảm kinh tế đang diễn ra trên diện rộng.

Mặt khác, giảm lãi suất cho vay cũng là tiền đề để giảm thêm lãi suất huy động, kích thích dòng tiền xã hội đi vào đầu tư trực tiếp sản xuất kinh doanh, một trong những ưu tiên chính hàng đầu của nền kinh tế hiện nay. Không nên quan ngại quá nhiều về việc dòng tiền đầu cơ sẽ chuyển hướng vào những lĩnh vực gây bất ổn vĩ mô, bởi vì những bài học đắt giá về lợi ích hay rủi ro thời gian vừa qua đã là quá đủ để nhà đầu cơ nhận diện được đâu là địa chỉ đầu tư thích hợp đối với chính mình. Về nguyên lý, không thể nào triệt tiêu được nghiệp vụ đầu cơ nên cần chấp nhận một tỷ lệ nhất định trong vòng kiểm soát hiệu quả để bảo đảm bản chất năng động vốn có của thể chế kinh tế thị trường.

Nhân vật trung tâm của tiến trình giảm lãi suất trong thời gian đến chính là hệ thống ngân hàng thương mại. Bởi lẽ, chính họ vừa là tác nhân khởi xướng, duy trì xu thế, vừa có điều kiện hưởng lợi từ tiến trình này. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đặt ra trong bối cảnh lãi suất giảm dần đó là hệ thống ngân hàng cần nhận thức rõ những cạm bẫy - cái giá phải trả của quá trình tăng trưởng nóng trong những năm vừa qua. Phải kiên định với mục tiêu phát triển ổn định và bền vững, nhanh chóng tiến hành cải cách hoạt động quản trị điều hành, quản trị chiến lược để chủ động thích ứng với chủ trương tái cấu trúc đã và đang bắt đầu triển khai trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội nước ta.

TÂM DÂN
 

;
.
.
.
.
.