Thời gian gần đây, quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng đã và đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, chủ yếu xoay quanh vấn đề tiếp cận vốn vay và lãi suất. Công bố mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thành phố Đà Nẵng về lãi suất cho vay bình quân VNĐ đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đến cuối tháng 5-2012 là 18,14%/năm, trong khi lãi suất tiền gửi đang hạ nhanh xuống 9-11%/năm càng dấy lên sự hoài nghi về thiện chí của ngành ngân hàng trong nỗ lực nhằm chia sẻ khó khăn và đồng hành với doanh nghiệp trước những khó khăn chung của nền kinh tế.
Con số bình quân 18,14% thật ra chỉ có ý nghĩa thời điểm và mang dấu ấn lịch sử nhiều hơn là thực tế. Đến nay, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở những ngân hàng lớn, có uy tín, đã giảm khá nhanh, xuống mức từ 13,5%/năm. Mặt khác, về phương diện nghiệp vụ, việc áp dụng lãi suất thường có độ trễ nhất định, ít nhất là một vài tháng, để các ngân hàng tính toán xử lý cơ cấu lại nguồn vốn - sử dụng vốn hợp lý. Tuy nhiên, đến thời điểm này có thể khẳng định, xu thế giảm dần lãi suất đang diễn biến thuận lợi trong bối cảnh lạm phát bước đầu đã được kiềm chế, đồng thời NHNN phát đi tín hiệu cho thấy sẽ tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất chỉ đạo trên thị trường liên ngân hàng.
Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với doanh nghiệp là làm sao duy trì sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng đang thật sự lo lắng vì dư địa cho vay tuy còn nhiều nhưng tốc độ giải ngân lại rất chậm, nguy cơ đọng vốn, phát sinh lỗ là có thật.
Để có căn cứ giảm lãi suất hợp lý, tăng cường thêm khả năng tiếp cận vốn bền vững cho doanh nghiệp, trước hết giữa ngân hàng và khách hàng phải chủ động xây dựng lòng tin với nhau trên cơ sở quan hệ đối tác lành mạnh và tích cực. Người đi vay có trách nhiệm tính toán kỹ, hiệu quả; người cho vay có bổn phận bảo đảm an toàn vốn. Sự gặp gỡ nhau về ý chí hợp tác không đơn thuần chỉ là lợi ích của hai bên, mà suy rộng ra còn là lợi ích lâu dài của toàn bộ nền kinh tế. Hơn khi nào hết, mỗi người trong chúng ta cần quán triệt quan điểm xuyên suốt của chính sách ổn định vĩ mô đi đôi với tái cấu trúc nền kinh tế, không cho phép lập lại tình trạng đầu tư tràn lan, kém hiệu quả, chạy theo cơn lốc đầu cơ như trước đây, kể cả hành vi cố tình “hạ chuẩn tín dụng” nhằm cho vay bằng mọi giá.
Bên cạnh việc công khai hóa mức lãi suất áp dụng và quy trình thủ tục, các ngân hàng cần chủ động tư vấn cho khách hàng xây dựng phương án cơ cấu lại nợ, xem xét miễn giảm lãi trong phạm vi cho phép, đặc biệt đối với những khách hàng thật sự khó khăn do tác động khách quan, có nỗ lực để tiếp tục duy trì ổn định sản xuất kinh doanh. Tiêu chí “Minh bạch, lành mạnh” do NHNN ban hành làm điều kiện áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi phải được nhận thức và vận dụng một cách đồng bộ, có tình có lý, trên tinh thần cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, chứ không nên hiểu một cách cứng nhắc nhằm biến tướng thêm nhiều rào cản khiến doanh nghiệp càng thêm nản lòng trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng.
Đằng sau câu chuyện lãi suất chính là câu chuyện “đối nhân xử thế” trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Mong rằng, thiện chí cùng thái độ hợp tác chân thành giữa ngân hàng và khách hàng trong thời gian đến sẽ góp phần cải thiện một cách căn bản bầu không khí kinh doanh tích cực, bầu không khí vốn dĩ đang ảm đạm, vốn dĩ rất cần những tiếng nói và hành động cụ thể theo hướng thông cảm, khích lệ, tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau.
TÂM DÂN