.

Ngưỡng mộ hay mù quáng?

Cho tới bây giờ, đề thi đại học môn Văn khối D về “văn hóa thần tượng” vẫn còn gây tranh cãi trên các trang mạng. Dĩ nhiên, mọi người có quyền đưa ra chính kiến của mình. Nhưng sự tiêu cực trong cách đưa ra luận điểm để bảo vệ thần tượng của những bạn trẻ hâm mộ nhạc Hàn Quốc lại phản ánh tư tưởng sai lệch về văn hóa. Đó là điều đáng buồn.

Lẽ thường, âm nhạc là tựu trung những cái đẹp và tinh túy của nhân loại ở một thời đại nào đó. Và dù không tự đặt cho mình  sứ mệnh gì, âm nhạc vẫn cứ là một loại hình văn hóa cứu rỗi con người. Nếu bỏ qua sự phân biệt nhạc hàn lâm, trí tuệ với nhạc thị trường, thì nhìn chung, tùy theo xu hướng tiếp nhận, có thể tìm thấy sự đồng điệu trong âm nhạc, khi người ta vui vẻ hân hoan, lúc buồn đau, mất mát... Bạn trẻ có quyền yêu ai, ghét ai, ngưỡng mộ ai và coi ai là thần tượng. Nhưng vì lẽ gì, thần tượng trong âm nhạc lại là đối tượng để giới trẻ công kích, chửi bới nhau đầy rẫy trên các trang mạng xã hội? Ở đó, các bạn trẻ hô hào lập thành những hội với hàng chục nghìn lượt người tham gia, truy cập, và số lượng không ngừng tăng lên theo từng phút. Thay vì nhìn nhận lại cách ngưỡng mộ thần tượng của mình, và xem xét đúng sai, thì họ “ném đá” nhau bằng những lời lẽ thô tục, thóa mạ và đầy bực tức. Trước đó, để thể hiện tình yêu thần tượng một cách mê muội, không ít bạn trẻ đã lớn tiếng dọa tự tử, đòi giết cha mẹ hay thực hiện một hành động điên khùng, ngông cuồng nào đó, nếu không được đi gặp thần tượng là những ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc. Khi mang đến Việt Nam và cả những nước châu Âu, châu Mỹ những gương mặt đẹp cùng những màn vũ đạo hấp dẫn, có lẽ, các sao Hàn không thể ngờ họ có thể tạo ra những hiệu ứng tiêu cực như vậy.

Đó là đối với sao Hàn. Còn đối với sao Việt, các bạn trẻ cũng không ngừng sỉ vả nhau nếu thích ca sĩ này, mà không ưa ngôi sao kia. Họ thiết lập những trang web để chửi nhau và bôi nhọ những giọng ca mà họ không ưa bằng những từ ngữ... chỉ có trên mạng. Bởi ở ngoài đời, nếu phát ra những lời vô cùng khiếm nhã và mất văn hóa đó, người nói có lẽ phải tự che mặt để không ai biết mình. Vậy mà những bạn trẻ vẫn cứ tự hào là mình đang có “văn hóa”, tự hào rằng mình dám thần tượng và bản lĩnh bảo vệ thần tượng.

Khi tình cảnh đạt đến cao trào này, các bạn trẻ cuồng tín ấy không phải là nhóm duy nhất đáng trách. Lãnh phần trách nhiệm không nhỏ trong ý thức hệ lệch lạc này chính là giới truyền thông. Để nuôi sống mình và chiều theo thị hiếu số đông, nhiều trang mạng đã không ngần ngại tâng bốc, xoi mói đời sống, sinh hoạt của các sao đến tận chân tơ kẽ tóc, kể cả chuyện sao A phát phì, hay sao B bị nghi có con, v.v... Sự hào nhoáng trong cuộc sống, công việc của các sao đã làm giới trẻ phát cuồng và cố gắng chạy theo, hoặc dè bỉu, mỉa mai... Nói chung, nhạc hiện đại và các sao ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ bằng cách này hay cách khác. Và thay vì định hướng dư luận, hoặc chí ít có thể giới thiệu, tôn vinh những cái đẹp, thì các trang mạng làm bạn trẻ rối lòng vì những cái “tưởng là đẹp”. Vì ảnh hưởng bởi những thứ “tưởng” đẹp, các bạn trẻ không còn biết đâu là ranh giới giữa ngưỡng mộ và mù quáng; đến lượt mình, sự mê muội cũng được họ “tưởng là đẹp”.

Bởi tầm ảnh hưởng của âm nhạc và ngôi sao đối với giới trẻ là không có giới hạn, đã đến lúc những người làm văn hóa cần suy nghĩ về một chiến lược âm nhạc dài hơi phù hợp với thị hiếu, tác động tích cực đến ý thức hệ của giới trẻ. Có như thế mới có thể hạn chế những tác hại không đáng có từ việc tiếp nhận âm nhạc một cách lệch lạc như lâu nay.

TRIÊU NHAN

;
.
.
.
.
.