.

Tôn vinh thời hoa lửa

Gần 400 cá nhân sẽ được vinh danh trong Hội nghị biểu dương người có công cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2012 diễn ra vào ngày 6 và 7-7 tại Đà Nẵng nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7).

Những cá nhân được tôn vinh là những người bước ra từ cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ đất nước của thời “30 năm xẻ dọc Trường Sơn”. Họ đại diện cho hơn 8,8 triệu người có công, hơn 1 triệu liệt sĩ, hơn 50.000 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH), hơn 700.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh cùng hàng trăm ngàn đồng đội đã ngã xuống trên khắp mọi miền đất nước, cả ở chiến trường nước bạn trong cuộc chiến tranh giữ nước và làm nghĩa vụ quốc tế… Hơn tất cả, họ tượng trưng cho khí thiêng dân tộc. Họ là minh chứng sống động cho truyền thống yêu nước nồng nàn và quyết tâm bảo vệ từng tấc đất quê hương của con người Việt Nam. Tôn vinh gần 400 con người ấy - chứng nhân của một thời lịch sử hào hùng có cả máu và nước mắt - không chỉ là hành động thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn vốn có từ bao đời của dân tộc Việt Nam, mà còn tạo nên sự keo sơn, gắn bó trong tinh thần đại đoàn kết dân tộc; đồng thời nuôi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ. Đó là mạch nguồn, là sức mạnh tinh thần to lớn để Việt Nam có thể chủ động đối phó với mọi khó khăn, thách thức trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình mới.

Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc đã ghi dấu bao chiến công oanh liệt, bao con người mà lòng dũng cảm, sự hy sinh của họ không thể nào đong đếm được. Và không có sự tưởng thưởng nào ghi nhận hết được những đóng góp ấy, ngoài tri ân của những người đang sống và của thế hệ trẻ - những người đang hưởng hòa bình và nhận trách nhiệm bảo vệ bằng được nền hòa bình ấy. Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng những ký ức về một thời hoa lửa với những vết sẹo hằn cứa trong bao người mẹ, người chị, người con… vẫn không dễ gì phai nhạt. Hàng loạt hoạt động tri ân đã, đang và sẽ diễn ra, nhất là trong dịp cả nước hướng về nguồn cội với Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Những hoạt động thiết thực, cụ thể như: đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Bà Mẹ VNAH, chăm sóc các gia đình liệt sĩ, gia đình có công cách mạng, thắp nến tri ân, hành quân về nguồn; sưu tầm kỷ vật thời chiến… được Đảng, Nhà nước, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân… đặc biệt chú trọng, thậm chí xem là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, với mong muốn thắp lên ngọn lửa biết ơn và quan trọng là giữ “lửa” để truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hơn 96% gia đình người có công hiện có mức sống trung bình trở lên, được hưởng các chế độ ưu đãi về chăm sóc sức khỏe; cải thiện nhà ở; ưu đãi trong giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm đã thể hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác đền ơn đáp nghĩa.

Hội nghị biểu dương người có công cách mạng tiêu biểu toàn quốc là dịp để cả nước thêm một lần tri ân. Và điều cần thiết là niềm tri ân ấy phải trở thành máu thịt trong mỗi người, nhất là với thế hệ trẻ. Khi đạo lý uống nước nhớ nguồn thật sự đi sâu vào tâm thức của lớp trẻ thì công tác giáo dục về lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc sẽ đạt hiệu quả cao, hơn những bài giảng khô khan từ sách vở.

Dịp 27-7 này, hình ảnh Anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Anh hùng - liệt sĩ - bác sĩ chị Đặng Thùy Trâm, liệt sĩ Hoàng Kim Giao… hay liệt sĩ Trần Duy Chiến - một người con của Đà Nẵng - chắn hẳn sẽ được nhắc đến với niềm xúc động trong hàng triệu trái tim. Nhưng trên khắp đất nước này vẫn còn không ít liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt và cả những ngôi mộ liệt sĩ vô danh. Các anh đã sống, chiến đấu và lặng lẽ ngã xuống, để mang lại nụ cười trong trẻo cho trẻ thơ, mang lại những lớp học rộn rã tiếng nói cười… Đặc biệt, trong dịp này, biết bao trái tim cũng sẽ hướng về Điện Bàn, quê hương của Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ. Mẹ tuy không còn nữa nhưng đã trở thành biểu tượng cho sức sống của người mẹ Việt Nam nói chung và người mẹ Quảng Nam nói riêng trong chiến tranh với “Một bàn thờ/ mười một bát hương/ mười một Bằng Tổ quốc ghi công/ trên mái đầu bạc… Trên thế giới xưa nay/ bao cuộc chiến tranh/ có người mẹ nào như mẹ/ chín con đẻ, một con rể, hai cháu ngoại/ lần lượt lên đường cầm súng/ lần lượt hóa thành mây trắng trời xanh…” (thơ: Lê Anh Dũng).

TÚ PHƯƠNG - PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.