.

Tri ân sâu nặng

Tại các cuộc gặp gỡ, giao lưu với nhân chứng lịch sử trong những ngày qua ở Đà Nẵng nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2012), nhiều câu chuyện đã được chia sẻ, tái hiện thời hoa lửa của dân tộc…

Trong rất nhiều buổi giao lưu như thế, thế hệ trẻ đã lắng nghe những người đi trước say sưa kể chuyện bằng giọng hùng hồn và tự hào, để từ đó họ hiểu thêm về cuộc chiến tranh ác liệt, về sự hy sinh của bao người… Có những lúc người kể lên cao giọng, rồi có lúc lại nghẹn lời trong từng ánh mắt dõi theo. Đó là chuyện về những trận đánh vang dội làm đối phương khiếp sợ; là những ngày tháng “địa ngục trần gian” khi những người chiến sĩ cách mạng bị bắt, bị tù đày. Đó là chuyện đòn roi, tra tấn của đối phương nhưng không khuất phục được ý chí kiên trung của người tù Cộng sản. Đó còn là chuyện về hành trình đi tìm hài cốt đồng đội. Trong chương trình giao lưu “Còn mãi với thời gian” do Thành Đoàn, Hội Cựu chiến binh, Sở LĐ-TB&XH tổ chức vào tối 25-7, những gì mà Trinh sát Tiểu đoàn 1 R20 Mặt trận 44 Quảng Đà Trần Văn Tám; và Đại úy Nguyễn Đình Tham, đơn vị Đặc công 489, chuyên trách hậu cứ Tiểu đoàn 1 R20 Mặt trận Quảng Đà chia sẻ là minh chứng sống động về chiến công của những người đã gắn bó máu thịt với mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Hay tại Hội nghị biểu dương những người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2012 diễn ra ở Đà Nẵng hồi đầu tháng 7 này, chuyện về những người anh hùng thời chiến, giỏi giang thời bình, với những vết thương hằn sâu trên cơ thể và bị nhiễm chất độc hóa học nhưng hiện vẫn tham gia làm công tác từ thiện xã hội, hoặc dùng tiền lương thương binh và tiền đi bán vé số của mình để đi tìm hài cốt đồng đội đã làm cả hội trường xúc động. Những giọt nước mắt của cả người già lẫn người trẻ đã lăn dài. Những người tham gia giao lưu đều mong muốn những người trẻ 8X, 9X hiểu lớp người đi trước đã sống, chiến đấu và hy sinh như thế nào để tô thắm màu cờ của Tổ quốc.

Ngày 27-7 là dịp cả nước tri ân những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng, liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, những người có công cách mạng, các thân nhân của những người có công… Những ngọn nến tri ân đã và đang được thắp lên ở thành phố Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung trong sự lắng đọng, niềm xúc động khi nhắc đến thời của máu và hoa, thời bi tráng mà hào hùng của dân tộc… Dịp đền ơn đáp nghĩa năm nay, cả nước chú trọng đến việc nâng cao mức sống cho thân nhân của những người có công cách mạng và công tác đi tìm mộ liệt sĩ. Có lẽ việc chăm sóc thân nhân người có công đã và đang được các địa phương, đơn vị, cá nhân thực hiện tốt bằng tất cả tâm huyết, niềm tri ân sâu nặng, bởi đây là đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam, là sợi chỉ đỏ kết nối giữa quá khứ - hiện tại và hướng đến tương lai. Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đã thông qua tại phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa được công bố và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9 tới càng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác đền ơn đáp nghĩa. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã không giấu được sự xúc động và nói rằng: “Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn của các anh hùng, liệt sĩ”.

Song, 37 năm trôi qua, điều còn đọng lại và day dứt nhất vẫn còn có những người con chưa tìm được hình hài; vẫn còn những người cha, mẹ, vợ, anh, chị, em đau đáu nỗi nhớ thương, xót xa khôn nguôi khi không biết người thân của mình đang nằm lạnh lẽo ở cánh rừng nào. Chiến tranh dường như đã mang những tinh hoa của Việt Nam ra trận, để làm nên đại thắng mùa Xuân 1975. Nhưng chiến tranh cũng để lại nỗi đau thương và mất mát quá lớn, dù những đau thương và mất mát ấy không hề vô nghĩa.

Theo thống kê, cả nước có đến 1.146.250 liệt sĩ, 780.000 thương binh và những người hưởng chính sách như thương binh; 1.253 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động trong kháng chiến; 187.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 109.468 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; và hơn 3.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống… Những con số này gắn liền với nỗi đau thương, mất mát và cũng gắn liền với niềm tự hào. Niềm tự hào ấy đang được khơi dậy, thôi thúc trong trái tim của thế hệ trẻ, để nhắc nhở sự tri ân trước những cống hiến, hy sinh; trước máu và nước mắt đã hòa vào mảnh đất này, để “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”.

TÚ PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.