Tình hình Biển Đông lại nổi cơn sóng dữ. Hai sự kiện đáng chú ý nhất trong tháng 6 vừa qua là việc Trung Quốc cho ra đời cái gọi là “thành phố Tam Sa” bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam; và thông qua một tập đoàn để kêu gọi mời thầu 9 lô dầu khí trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam theo Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ. Tiếp theo những hành động ngang ngược đó, ngày 1-7 vừa qua, Trung Quốc đã triển khai 4 tàu hải giám tại đảo đá ngầm mang tên Đá Châu Viên tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép vào năm 1988. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh còn tuyên bố: Quân đội Trung Quốc tiến hành các cuộc tuần tra thường lệ tại Biển Đông trong khuôn khổ các hoạt động bảo vệ “chủ quyền quốc gia” (?!). Ông Cảnh Nhạn Sinh cảnh báo: “Quyết tâm và ý chí của quân đội Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là không thể lay chuyển” (?!).
Trước những hành động phi lý đó, không chỉ Việt Nam mà nhiều nhà hoạt động chính trị, chuyên gia các nước trên thế giới, trong đó có các nghị sĩ Mỹ, đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
Việc phía Trung Quốc mời thầu quốc tế tại các khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam thực chất nhằm thực hiện 2 ý đồ sâu xa mà họ chuẩn bị từ lâu: Thứ nhất, biến các vùng biển của Việt Nam - mà theo pháp luật quốc tế hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp - thành vùng biển tranh chấp; thứ hai, mở rộng tranh chấp trên biển giữa hai nước. Việc làm đó nằm trong loạt hoạt động gần đây của Trung Quốc để thực hiện yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý ở Biển Đông, làm tình hình Biển Đông trở nên phức tạp và căng thẳng hơn.
Nhưng để che đậy cho những mưu toan đó, về ngoại giao, Trung Quốc vẫn luôn nói rằng họ rất thiện chí, mong muốn giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và không làm tình hình Biển Đông thêm phức tạp… Trong quan hệ song phương với Việt Nam, Trung Quốc cũng luôn nhấn mạnh điều này, nhưng thực tế họ lại có các hành động ngược lại. Còn đối với các nước trong khu vực, năm 2002, Trung Quốc và ASEAN đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Theo tuyên bố này, Trung Quốc và ASEAN khẳng định lại cam kết của mình tôn trọng mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương LHQ, Công ước Luật Biển năm 1982, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và các nguyên tắc phổ cập khác của pháp luật quốc tế. Khi đi vào các vấn đề cụ thể, Trung Quốc và ASEAN cam kết không tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc gia tăng các tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Với việc ký Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông, Trung Quốc có nghĩa vụ tuân thủ các cam kết nêu trên. Trong các Hội nghị cấp cao giữa ASEAN và Trung Quốc cũng như các hội nghị khác, đại diện Trung Quốc đều khẳng định tuân thủ Tuyên bố DOC năm 2002. Hơn nữa, Tuyên bố chung của các nguyên thủ cùng Thủ tướng các nước ASEAN và Trung Quốc về đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc thông qua tại Bali (Indonesia) ngày 8-10-2003 đã coi việc thực hiện DOC là một biện pháp trong hợp tác an ninh giữa ASEAN và Trung Quốc.
Thế nhưng, với việc mời các công ty nước ngoài đấu thầu các lô dầu khí trong thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc đã đi ngược lại các cam kết của mình. Điều đó cho thấy, một khi Trung Quốc có nhiều ảnh hưởng, nước này càng trở nên quyết đoán hơn trong lĩnh vực ngoại giao. Thái độ quyết đoán này ngày càng gia tăng cùng với sức mạnh hải quân của Trung Quốc và khiến người ta tự hỏi liệu nó có biến thành ngạo mạn, đặc biệt ở khu vực Biển Đông hay không?
Sự kết hợp giữa hoạt động hải quân ráo riết và các tuyên bố chủ quyền biển đảo của Trung Quốc cho thấy, nước này đang đi ngược với ý nguyện của cộng đồng thế giới, khi không chỉ muốn biến Tây Thái Bình Dương thành “vùng cấm” đối với các thế lực bên ngoài mà còn coi vùng biển này là một phần trong phạm vi ảnh hưởng của nước này.
Tất cả những hành động đó của Trung Quốc không những không làm thay đổi quyết tâm bảo vệ chủ quyền vùng biển thiêng của Chính phủ và nhân Việt Nam, mà còn bôi nhọ hình ảnh một nước Trung Quốc là thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ trước cộng đồng quốc tế, có trọng trách trong việc xây dựng, kiến tạo nền hòa bình bền vững cho chính họ cũng như cho của khu vực và trên thế giới.
TUYẾT MINH