.

Ứng phó biến đổi khí hậu để thu hút đầu tư

Một trong những vấn đề vừa được đặt ra tại Diễn đàn đô thị Việt Nam là thách thức mới trong việc kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhìn từ góc độ tác động của biến đổi khí hậu. Việc Diễn đàn đô thị Việt Nam tiến đến hình thành bộ tiêu chí đánh giá khả năng sẵn sàng ứng phó biến đổi khí hậu của các địa phương sẽ là động lực để cộng đồng vào cuộc và xem đây như một trong các điều kiện về chỉ số  năng lực cạnh tranh nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Vì vậy, Đà Nẵng sẽ phải quyết liệt hơn trong việc thực hiện các giải pháp khoa học để ứng phó với biến đổi khí hậu trong tương lai và tạo môi trường đầu tư hấp dẫn.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), trận lụt lịch sử của Thái Lan kéo dài 3 tháng vào năm 2011 đã làm các công ty bảo hiểm bỏ chạy khỏi đất nước này và tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở những vùng đất yên lành hơn. Chính phủ Thái Lan đã phải ngay lập tức có chính sách ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư sau lũ, đặc biệt là các nhà đầu tư công nghiệp do máy móc hư hỏng nặng, nên thiệt hại chính vẫn là các công ty bảo hiểm. Từ bài học này, các công ty bảo hiểm quốc tế đã xếp hạng các quốc gia có mối đe dọa về lũ lụt trong những khu công nghiệp (KCN) dễ bị tác động thiên tai và đưa vào tiêu chí quan trọng để xác định khả năng cung cấp dịch vụ, tránh nguy cơ rủi ro cao.

Theo nghiên cứu và dự báo của các nhà khoa học, biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ làm môi trường tự nhiên, kinh tế-xã hội của khu vực miền Trung thay đổi lớn, trong đó có thành phố Đà Nẵng - đô thị hướng thẳng ra Biển Đông, hằng năm có nhiều cơn bão uy hiếp, cây xanh bị tàn phá, tình trạng nước biển dâng. Nhiều lĩnh vực kinh tế của thành phố dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu như du lịch nghỉ dưỡng và tắm biển, du lịch sinh thái, công nghiệp khai thác và chế biến thủy sản, công nghiệp cảng biển... Đơn cử, siêu bão Xangsane (tháng 9-2006) đã làm hàng loạt các khu nghỉ mát lớn ở ven biển Đà Nẵng và các KCN Hòa Khánh, Liên Chiểu, Hòa Cầm, Đà Nẵng phải mất từ 3 - 4 tháng mới có thể khắc phục, đi vào hoạt động.

Theo đánh giá của Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID), 85% doanh nghiệp Việt Nam từng bị bão tấn công, 45% bị lũ lụt, 12% bị lốc xoáy và triều dâng. Trong đó, doanh nghiệp vùng ven biển từ Nghệ An đến Phú Yên chịu ảnh hưởng lớn nhất. Mức độ sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong doanh nghiệp Việt Nam rất thấp: 5% doanh nghiệp không quan tâm đến phòng chống rủi ro thiên tai; 46% doanh nghiệp có quan tâm nhưng chưa có kế hoạch phòng chống và ứng phó; 33% doanh nghiệp xây dựng kế hoạch nhưng không đủ năng lực và nguồn lực để thực hiện; 60% chưa mua bảo hiểm rủi ro thiên tai.

Trong vấn đề quy hoạch xây dựng thành phố liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, Đà Nẵng đã tăng cường biện pháp gia cố đê kè cho các khu vực lấn biển, phát triển các tòa nhà đa chức năng tiết kiệm năng lượng sử dụng, dành quỹ đất hợp lý để phát triển cây xanh, mặt nước và đô thị, quan tâm đặc biệt đến môi trường, cảnh quan đô thị tại các khu vực nhạy cảm như: Hải Vân, Sơn Trà, Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, vệt ven sông ven biển...

Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế khuyến cáo, việc ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam cần phải được quản lý theo lưu vực, vượt ra khỏi ranh giới địa lý từng địa phương. Đà Nẵng cần phối hợp với Quảng Nam, Quảng Ngãi... để có các giải pháp bảo vệ sông và thượng nguồn. Đà Nẵng cũng cần mô hình hóa tình trạng ngập lụt thành phố ở các cấp độ khác nhau, đặt các KCN vào bản đồ đó để chuẩn bị ứng phó và có cơ chế đối với ngành bảo hiểm tài chính cũng như đưa các khuyến nghị đối với nhà đầu tư.

THU PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.