.

Vốn xây dựng nông thôn mới

Thành phố Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung đang đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM). Vấn đề được cả hệ thống chính trị ở mỗi địa phương và nhà nông đặc biệt quan tâm hiện nay là vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế. Bởi lẽ, thực tế đã và đang đặt ra: Thực hiện công cuộc xây dựng NTM, toàn xã hội chung tay đến mấy; các cấp, các ngành và nông dân nỗ lực đến mấy nhưng thiếu vốn thì đành bó tay. Chủ trương toàn xã hội chung tay xây dựng NTM, vốn huy động từ nhiều nguồn, bao gồm ngân sách Nhà nước, nội lực của chính nhà nông, sự đóng góp của các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp (DN) và từ hệ thống ngân hàng. Thế nhưng, hiện tại, vốn từ các nguồn, ngoại trừ từ ngân hàng, đều rất hạn chế. Và như vậy, ngân hàng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc đáp ứng vốn cho xây dựng NTM.

Nhận thức tầm quan trọng này, hưởng ứng phong trào “Chung tay xây dựng NTM” do Đảng bộ, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố phát động, Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Đà Nẵng đã về khu vực nông thôn triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đối với lĩnh vực kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp và xây dựng NTM. Qua đó, cơ quan này đã gửi đến các HTX, nông hộ, chủ trang trại thông điệp: Ngân hàng không khi nào thiếu vốn và sẽ đồng hành cùng nhà nông trong quá trình xây dựng NTM. Đáp ứng đầy đủ, kịp thời vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chính là góp phần tích cực đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM tại các địa phương.

Số liệu từ Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Đà Nẵng, hiện tại đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn 544 tỷ đồng, trong tổng dư nợ 4.940 tỷ đồng, chiếm 11%. Từ tháng 6-2010 đến nay, chỉ có 2.800 khách hàng được giải ngân theo Nghị định 41 của Chính phủ, với tổng số tiền 209 tỷ đồng, hiện dư nợ còn 96 tỷ đồng. Các lĩnh vực cần số vốn lớn để đầu tư như đánh bắt, chế biến hải sản cũng chỉ giải ngân được 26 tỷ đồng, đóng sửa tàu thuyền 14 tỷ đồng, phát triển chăn nuôi 31 tỷ đồng. Và cũng chỉ có 400 triệu đồng được giải ngân cho vay theo Quyết định 63/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông-thủy sản. Thực trạng này cho thấy, quy mô tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có vẫn còn khá nhiều hộ sản xuất, trang trại, HTX, DN chưa tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi này. Nói đúng hơn, các chính sách tín dụng tuy đã đi vào đời sống ở nông thôn nhưng chưa thực sự là động lực giúp nông dân tạo bước đột phá trong đầu tư sản xuất kinh doanh.

Thực trạng này đặt ra cho Ngân hàng NN&PTNT bài toán là làm thế nào để nguồn vốn đến với các HTX, chủ trang trại, DN và nông hộ, góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo, làm giàu ở khu vực nông thôn. Triển khai chính sách tín dụng đến tận đối tượng sử dụng vốn là hết sức cần thiết, nhưng quan trọng hơn là cán bộ ngân hàng bám sát hoạt động sản xuất kinh doanh ở nông thôn, từ đó có kế hoạch điều tiết vốn hợp lý. Không có dự án phát triển kinh tế sẽ không có nhu cầu về vốn. Như vậy, việc ngân hàng phối hợp với chính quyền địa phương và ngành chức năng xây dựng các dự án phát triển kinh tế khả thi, sử dụng vốn hợp lý và hiệu quả là vô cùng cần thiết. Phải làm cho các HTX, chủ trang trại, nông hộ nhận thức sâu sắc rằng, các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 41, Quyết định 63… là cơ hội để họ có vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh, không phải đối tượng nào cũng có được. Với cơ chế bảo đảm cho vay khá thông thoáng, không phải thế chấp tài sản 50 triệu đồng đối với hộ sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp; 200 triệu đồng đối với các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ nông nghiệp; 500 triệu đồng đối với HTX, chủ trang trại và lãi suất 13%/năm, là cơ hội rất lớn cho kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển.

HOÀI NAM

;
.
.
.
.
.