.

Vun đắp quan hệ đặc biệt Việt - Lào

Cách đây gần 50 năm, ngày 13-3-1963, khi tiễn đưa Đoàn đại biểu cao cấp Vương quốc Lào kết thúc chuyến thăm Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảm tác 2 câu thơ “Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Hai câu đầy chất thơ cũng thể hiện hết sức thuyết phục về mối quan hệ keo sơn gắn bó, đoàn kết thủy chung, đặc biệt và hiếm có trong mối quan hệ quốc tế giữa hai quốc gia, hai dân tộc láng giềng.

Hai câu thơ ấy ra đời trong bối cảnh hơn nửa năm trước đó, Việt Nam và Lào thiết lập quan hệ ngoại giao trên cơ sở hai nước có chủ quyền và độc lập. Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, cùng với kỷ niệm 35 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác Việt Nam - Lào là cơ sở để hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước lấy làm “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào”; từ đó nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt - Lào hiểu sâu sắc thêm về mối quan hệ thực sự đặc biệt và hiếm có này, để càng thêm tin tưởng và gắn bó với nhau.

Lưng tựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, lịch sử tựa vào hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đặc biệt là từ năm 1927 - khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập gây dựng được cơ sở tại Lào... đã tạo nên ngọn nguồn cho mối quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, mặc dù trải qua những thăng trầm lịch sử, chịu ách đô hộ và xâm chiếm hàng trăm năm của các thế lực thù địch, của thực dân đế quốc.

Lịch sử đó đã chứng minh một chân lý rằng mối quan hệ này ngày càng vững chắc nhờ bắt nguồn từ lòng yêu nước nồng nàn kết hợp với chủ nghĩa quốc tế trong sáng; tình đoàn kết thủy chung và niềm tin về lòng chân thành trong sáng mà hai dân tộc dành cho nhau; là sự giúp đỡ đến mức cao nhất nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển tương lai của hai dân tộc!

Bản chất của quan hệ đặc biệt đó được nuôi dưỡng, phát triển bằng sức cảm hóa của quan điểm rất mộc mạc nhưng đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp bạn là mình tự giúp mình”!

Nhân “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào”, nhìn lại quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mới thấy những việc cần đặc biệt quan tâm, giải quyết để thực sự nâng tầm mối quan hệ đặc biệt mà hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đã gầy dựng, phát triển hàng chục năm qua.

Bởi lẽ, trong bối cảnh có những chuyển biến nhanh chóng và phức tạp của mối quan hệ quốc tế, trong việc gìn giữ và phát huy nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, trong phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước... cần thiết phải đẩy nhanh việc điều chỉnh kịp thời, linh hoạt các nội dung đã thỏa thuận hợp tác. Để từ đó, việc thực hiện hợp tác toàn diện đạt hiệu quả thiết thực, theo đúng định hướng cơ bản của chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2011-2020 mà hai nước đã đề ra “Phát huy truyền thống quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trở thành động lực tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong hợp tác kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập của mỗi nước”.

Thấm nhuần sâu sắc truyền thống cũng như định hướng đó, trong 10 năm qua, tiếp tục góp phần phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, với vị trí là điểm đầu và điểm cuối của Hành lang kinh tế Đông - Tây, là trung tâm kinh tế-xã hội của miền Trung, Đà Nẵng đã nỗ lực không ngừng trong việc thúc đẩy hợp tác, hữu nghị đi dần vào quỹ đạo thiết thực và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới.

Không chỉ dừng lại ở việc ký kết 24 văn bản thỏa thuận và ghi nhớ với nhiều địa phương của Lào, Đà Nẵng đã tập trung các nguồn lực để hỗ trợ phát triển cho 5 tỉnh Trung và Nam Lào, từ Savannakhet đến Attapư; trên tất cả các lĩnh vực như: nông nghiệp, quy hoạch kinh tế-xã hội, giáo dục, giao thông, huấn luyện thể thao...; mà trong đó đặc biệt là hỗ trợ, hợp tác về giáo dục để tạo nguồn nhân lực cho phát triển bền vững ở các địa phương của Lào.

Thế nhưng, để xứng tầm với quan hệ đặc biệt, nhất là trong bối cảnh và tình hình mới, cần sự hợp tác một cách chặt chẽ, có tầm nhìn rộng hơn và toàn diện hơn chứ không chỉ ở các lợi ích kinh tế thuần túy và ngắn hạn. Cần phải thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo: Coi trọng, phát triển và củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước và coi đây là nhiệm vụ có tầm chiến lược to lớn, thiết thực phục vụ lợi ích, bảo đảm ổn định an ninh chính trị và phát triển của mỗi nước.

Với sự đầu tư và phát triển cho giáo dục, cho đào tạo nguồn nhân lực - nền tảng và động lực quan trọng nhất cho phát triển, Đà Nẵng đã đi đúng hướng trong quan hệ hợp tác, giúp đỡ đối với các địa phương của Lào. Tuy nhiên, để hiệu quả hơn, trên cơ sở nguồn nhân lực đó, cần mở rộng hợp tác thực sự trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, an ninh-quốc phòng... nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi bên, khắc phục những tồn tại, yếu kém để cùng vươn lên trong xu thế phát triển mới, trong tình hình thế giới đang ngày càng chuyển biến phức tạp và khó lường.

Có như vậy, nền tảng của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, một phần được biểu hiện cụ thể qua mối quan hệ hợp tác thắm tình anh em giữa Đà Nẵng với các tỉnh Trung và Nam Lào, mới chuyển biến mạnh mẽ và tiếp tục được vun đắp ngày càng bền chặt hơn.

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.