.

Xóa nghèo để phát triển

Với sự đồng thuận cao của các đại biểu, kỳ họp thứ 4 HĐND thành phố khóa VIII vừa thông qua việc nâng mức chuẩn nghèo mới (giai đoạn 2013-2017) lên mức 800.000 đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị và 600.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn. Theo kết quả điều tra của Sở LĐ-TB&XH thành phố, toàn thành phố sẽ có 22.045 hộ nghèo với 87.969 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 9,71% tổng số hộ. Trong đó, ở nông thôn có hơn 5.000 hộ với hơn 15.000 nhân khẩu (chiếm 16,73% tổng số hộ) và ở thành thị có hơn 17.000 hộ với gần 73.000 nhân khẩu (tỷ lệ 8,64% tổng số hộ).

Sự đồng thuận cao này cho thấy sự quan tâm rất lớn của chính quyền thành phố đối với sự phát triển đồng bộ, thực hiện tốt các giải pháp phát triển kinh tế, đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là với những người nghèo. Bởi, theo tính toán của các nhà chuyên môn, từ năm 2009 (thực hiện chuẩn nghèo mới với mức 500.000 đồng ở thành thị và 400.000 đồng ở nông thôn) đến nay, chỉ số giá tiêu dùng các mặt hàng lương thực, thực phẩm và các khoản tiêu dùng thiết yếu là 150%; trong đó mức tăng cao nhất là năm 2011 với 117,48%. Bên cạnh đó là lương tối thiểu đã tăng 62%.

Hiện nay, ở các đô thị lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mức chuẩn nghèo lần lượt là 750.000 đồng/người/tháng và 1 triệu đồng/người/tháng; mức chuẩn hộ nghèo cả nước giai đoạn 2011-2015 ở khu vực thành thị là từ 500.000 đồng/người/tháng và khu vực nông thôn là 400.000 đồng/người/tháng. Việc nâng mức chuẩn nghèo của Đà Nẵng cao hơn mặt bằng chung cả nước và ngang bằng với các đô thị lớn là cần thiết, để tập trung vào việc thực hiện các giải pháp nhằm từng bước nâng cao đời sống cho dân nghèo thành phố. Vì thế, việc nâng mức chuẩn nghèo, bắt đầu thực hiện từ năm 2013 đã được đông đảo đại biểu HĐND thành phố nhất trí.

Sự đồng thuận đó tạo nên sự đồng thuận trong xã hội với việc chung tay góp sức một cách có ý thức, mạnh mẽ và hiệu quả của cộng đồng (các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... trong và ngoài nước) vào sự nghiệp giảm nghèo của thành phố. Tổng nguồn lực huy động phục vụ cho chương trình giảm nghèo của 3 năm (2009-2011) đã đạt trên 672 tỷ đồng; trong đó ngân sách Nhà nước là 386 tỷ đồng và huy động cộng đồng được 286,3 tỷ đồng. Nguồn lực này đã được sử dụng có hiệu quả. Nhờ đó, mặc dù thành phố đưa ra Đề án giảm nghèo đến năm 2015, nhưng với sự nỗ lực của cộng đồng, góp sức cùng chính quyền thành phố và cố gắng tự thân của hộ nghèo, đến tháng 6-2012, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của thành phố là 1,31% tổng số hộ và phấn đấu đến cuối năm nay, tỷ lệ này còn 0,85% theo Nghị quyết về nhiệm vụ năm 2012 của HĐND thành phố (khóa VIII) tại kỳ họp thứ 3.

Vấn đề quan trọng là bên cạnh các chính sách và giải pháp của chính quyền cùng sự chung tay của cộng đồng, bản thân những hộ nghèo cũng phải có sự nỗ lực vươn lên, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong chính gia đình mình, chứ không trông chờ, ỷ lại. Ngay trong kỳ họp HĐND thành phố vừa qua, các cử tri của quận Thanh Khê đã có ý kiến về việc xem xét lại tiêu chí hộ đặc biệt nghèo và hộ nghèo, có giải pháp căn bản tránh tình trạng tái nghèo và nhất là cần “cương quyết không nên hỗ trợ cho các đối tượng hộ chai lì, ỷ lại không chịu lao động, không muốn thoát nghèo để được tiếp tục hưởng các chế độ của người nghèo”. Theo điều tra của Sở LĐ-TB&XH thành phố, trong tổng số 24.803 hộ có mức thu nhập từ 800.000 đồng/người/tháng trở xuống, thì có 375 hộ chây lười lao động. Con số này chiếm tỷ lệ thấp, so với hơn 5.000 hộ thiếu vốn sản xuất, hơn 1 nghìn hộ thiếu phương tiện sản xuất, hơn 4.000 hộ thiếu người lao động... nhưng đã tác động một phần đến tâm lý của xã hội đối với người nghèo.

Vì vậy, chính quyền thành phố cần tiếp tục xác định quan điểm chỉ đạo là tập trung trợ giúp cho người nghèo nhằm tạo điều kiện cho họ vượt qua được ngưỡng khó khăn mà tự họ không thể vượt qua trong một điều kiện nhất định, ở một thời điểm nhất định, chứ không trợ giúp lâu dài; tạo nền tảng để người nghèo phải tự vươn lên thoát nghèo và làm giàu... Có như vậy, những giải pháp trong chương trình giảm nghèo của thành phố phát huy hiệu quả tích cực và đạt được mục đích cao đẹp, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển toàn diện của thành phố.

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.