.

Bám biển giữ ngư trường

Tiếp theo đợt đưa 30 tàu cá đến vùng biển Trường Sa của Việt Nam ngang nhiên khai thác hải sản, Trung Quốc đang xua 23.000 tàu khác tràn ra Biển Đông càn quét nguồn lợi hải sản tại vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước ta. Hành động này xâm phạm nghiêm trọng lãnh hải thiêng liêng của Việt Nam, cản trở việc sản xuất bình thường của ngư dân Việt Nam tại các ngư trường truyền thống, gây phẫn nộ trong nhân dân cả nước. Trung Quốc đang muốn biến vùng biển nước khác thành “ao nhà” của họ.

Ngư dân Trung Quốc đang chiếm ưu thế khi có tới 23.000 tàu cá cùng hoạt động trên Biển Đông, trong khi cả nước ta tuy có hơn 132.000 chiếc nhưng chỉ khoảng 20.000 tàu công suất từ 90 CV trở lên đủ điều kiện bám biển tại ngư trường xa bờ. Trong số tàu đánh bắt xa bờ này, thường chỉ khoảng 50 - 60% liên tục bám biển. Điều này đồng nghĩa với thực trạng số lượng tàu cá của ngư dân ta đang đánh bắt trên Biển Đông ít hơn so với tàu cá Trung Quốc. Đó là chưa nói tàu của ngư dân ta là tàu gỗ, công suất nhỏ, hoạt động theo tổ đội 5 - 7 chiếc, trong khi tàu cá của Trung Quốc là tàu sắt, công suất lớn, số lượng áp đảo và thường xuyên có tàu hải giám hộ vệ, tàu hậu cần nghề cá đi theo. Với lực lượng không tương quan này, hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân ta gặp không ít khó khăn, ngư trường truyền thống đang bị tàu cá Trung Quốc xâm phạm, biển Việt Nam đang trở thành nơi ngư dân nước ngoài thả sức đánh bắt. Và không ai dám chắc sau đợt xua 23.000 tàu cá này, thời gian tới Trung Quốc không xua hàng chục nghìn chiếc khác tiếp tục tràn ra Biển Đông.

Bất kỳ ngư dân nào trở về từ ngư trường xa bờ cũng rất bức xúc trước thực trạng số lượng lớn tàu cá Trung Quốc ngang nhiên đánh bắt tại vùng biển Việt Nam. Nghiêm trọng hơn, số tàu này cố tình gây khó dễ đối với hoạt động sản xuất bình thường của ngư dân ta. Không như trước đây, mỗi khi ra khơi, gặp tàu cá Trung Quốc thì việc ai nấy làm, còn hiện nay khi gặp đều bị các tàu này xua đuổi, thậm chí cố tình chạy qua khu vực ngư dân ta đánh bắt gây hư hỏng ngư lưới cụ. Tuy vậy, không ngư dân nào nao núng trước áp lực tàu cá Trung Quốc, trái lại tỏ rõ quyết tâm bám biển giữ ngư trường truyền thống bằng mọi giá. Và hầu hết ngư dân đều có chung kiến nghị là Nhà nước cần đầu tư thích hợp cho hoạt động đánh bắt hải sản bằng việc cho ngư dân vay vốn ưu đãi, thời gian dài để đóng mới tàu công suất lớn, kể cả tàu sắt. Có như vậy ngư dân mới tự tin bám biển, đủ khả năng đương đầu với tàu cá Trung Quốc đang tràn ngập biển nước ta.

Có thể nói, chưa khi nào Biển Đông dậy sóng và bị tàu cá nước ngoài xâm phạm nghiêm trọng như thời gian này. Và cũng chưa khi nào nhiệm vụ bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam thân yêu lại cấp bách như lúc này. Trước thực trạng 23.000 tàu cá Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm vùng biển nước ta, Hội Nghề cá Việt Nam đã kịch liệt phản đối và yêu cầu các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp ngăn chặn. Có một điều chắc chắn là không người Việt Nam nào chịu ngồi yên nhìn tàu cá nước ngoài ngang nhiên xâm phạm vùng biển của mình, nhất là đội ngũ ngư dân. Và để tiếp sức cho ngư dân làm nhiệm vụ bám biển giữ ngư trường truyền thống, không có giải pháp nào khả thi hơn bằng việc ưu tiên đầu tư đóng mới đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu, hàng chục nghìn chiếc.

Việc đầu tư đóng nhiều tàu cá công suất lớn, kể cả tàu vỏ sắt, là vô cùng cấp bách. Bởi lẽ, bảo vệ biển và tài nguyên hải sản hiệu quả nhất hiện nay chỉ có thể là lực lượng đông đảo tàu cá công suất lớn. Không những vậy, hoạt động sản xuất trên biển còn đem về nguồn của cải rất giá trị, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.