.

Bao giờ thực phẩm mới sạch?

Vụ sản xuất giá bẩn vừa được Báo Thanh Niên phanh phui trong những ngày gần đây đang làm dấy lên nỗi lo ngại trong bữa ăn hằng ngày. Không phải bây giờ chúng ta mới biết đến quy trình làm giá bằng hóa chất như vậy. Lâu nay, trong khi cơ quan chức năng chưa kiểm soát được các khâu chế biến thực phẩm thì người dân vẫn vô tư ăn hàng trăm ngàn kilôgam giá độc kiểu này.

Giá đỗ là loại thực phẩm dân dã có khá nhiều công dụng đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, vì lợi nhuận trong sản xuất và kinh doanh, người ta đã biến nguyên liệu này trở thành món ăn tiềm ẩn nguy cơ gây hại. Dù đến nay chưa thấy kết luận chính thức từ phía cơ quan kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm phân tích tác hại cụ thể của loại giá kể trên, nhưng mức độ nghiêm trọng của những loại hóa chất có nguồn gốc từ Trung Quốc thì ít nhiều ai cũng thấy. Thật nguy hiểm khi chính những người sử dụng hóa chất cũng không nắm rõ đó là loại gì mà chỉ nghe người khác mách lại rồi dùng theo!

Sau việc công bố các loại sữa có melamine, nước tương nhiễm chất 3-MCPD, hạt dưa có chất Rhodamine B, dầu ăn được tinh luyện bằng chất tẩy rửa..., một lần nữa người tiêu dùng lại hết sức lo lắng đối với loại thực phẩm vốn “giải nhiệt” này. Có thể người làm ra nó kiên quyết không ăn vì biết nó độc, nhưng với những loại thực phẩm khác họ không làm ra thì chắc chắn sẽ ăn. Như vậy, vòng luẩn quẩn của thực phẩm không an toàn đều có khả năng chia đều cho tất cả mọi người. Chính vì “khuất mắt trông coi” nên người dân đành nhắm mắt ăn đại, vì nếu không ăn thì chẳng biết ăn gì cho sạch.

Trước thông tin không có lợi cho người bán giá tại các chợ trong những ngày này, nhiều người nội trợ cũng thể hiện luồng ý kiến trái ngược. Bên thì cho rằng, ăn thứ gì bây giờ chẳng có hóa chất, không ăn thì biết ăn gì. Còn một bên nhất quyết nói “không” với loại thực phẩm này, dù tất nhiên không phải cơ sở làm giá nào cũng dùng hóa chất có hại.

Không chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh hay những nơi khác mới có giá tẩm hóa chất mà ngay Đà Nẵng, thông tin tương tự đã râm ran. Chỉ có điều cơ quan chức năng chưa phát hiện vụ việc, bởi sẽ không có gì ngạc nhiên khi lâu nay người ta vẫn ngang nhiên ủ mầm giá bằng chất kích thích cho cọng giá to và nhanh lớn. Đó còn chưa kể đến việc người bán dùng hóa chất làm trắng để giá nhìn đẹp mắt hơn. Bất cứ loại hóa chất nào cũng có mặt trái của nó nếu bị con người lạm dụng cho chế biến, sản xuất.

Tuy vậy, cần nhìn nhận một cách khách quan để thấy nguyên nhân của tình trạng làm hàng “bẩn” cũng xuất phát từ tâm lý của người tiêu dùng ưa chuộng vẻ bề ngoài. Quả thật, khi đi chợ nếu cùng là rau muống nhưng một bó không phun thuốc với vẻ bên ngoài già cỗi, sâu sia, còn bó phun thuốc xanh mướt, bóng mượt thì chắc số đông chỉ chọn bó xanh mướt mà thôi. Nói như vậy không có nghĩa là nhà sản xuất không được phép dùng hóa chất cho thực phẩm, mà quan trọng là dùng với mức độ, liều lượng như thế nào để bảo đảm an toàn. Nhưng đáng tiếc thay, sự tiến bộ của khoa học-công nghệ lại được áp dụng để biến những thực phẩm vốn sạch trở thành mầm mống bệnh tật cho chính chúng ta. Có lẽ không hình phạt nào thích đáng bằng hình phạt của lương tâm. Nếu cơ quan chức năng không có phương thức bảo vệ người tiêu dùng và người sản xuất không thức tỉnh lương tâm, chắc chẳng bao giờ chúng ta được “ăn sạch”, đồng thời thế hệ sau sẽ phải gánh chịu những căn bệnh vô phương cứu chữa.

DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.