.

Chuyển hướng thị trường lao động miền Trung

Trong lợi thế chiến lược chung của nguồn nhân lực Việt Nam, duyên hải miền Trung có nguồn nhân lực dồi dào, trẻ, nhưng kỹ năng thấp. Xuất phát từ đặc trưng này và lợi thế tự nhiên giống nhau nên định hướng cơ cấu ngành của các địa phương cũng giống nhau. Một thời gian dài, các tỉnh duyên hải miền Trung đã tập trung phát triển các ngành công nghiệp đẳng cấp thấp, nặng về khai thác tài nguyên và nhân công giá rẻ.

Mặc dù cơ cấu kinh tế vùng duyên hải miền Trung đã có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa và mở cửa, hội nhập, nhưng thực tế cho thấy, hàng chục năm nay, khi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, nguồn nhân lực có tay nghề lại chưa đáp ứng yêu cầu. Sự thiếu hụt cán bộ quản lý còn là vấn đề bức xúc ở nhiều địa phương miền núi phía Tây vùng duyên hải miền Trung.

Theo đánh giá chung của Ban Điều phối vùng, các tỉnh duyên hải miền Trung đang chuẩn bị cho sự chuyển mình về kinh tế quyết liệt, thể hiện ở các thỏa thuận cùng nhau xây dựng cơ chế liên kết dựa trên lợi thế của từng địa phương và đặt trong khuôn khổ liên kết vùng. Tư duy về phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động vùng duyên hải miền Trung đã thoát ra khỏi công thức chung về công nghiệp hóa, hiện đại hóa gần như giống nhau ở tất cả các địa phương trong khu vực.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường lao động trong vùng cần dựa vào “hậu phương công nghiệp” để đào tạo và phát triển. Một “hậu phương công nghiệp” tốt của vùng duyên hải miền Trung được hiểu là tổ hợp của sự phát triển ngành du lịch - dịch vụ, quy mô phát triển công nghiệp đủ để tạo việc làm cho nguồn lao động trẻ dồi dào nhưng chất lượng thấp, và sự phát triển công nghiệp theo định hướng công nghệ cao phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng.

Tuy nhiên, cả 3 khía cạnh này đều khiếm khuyết khiến duyên hải miền Trung thiếu sức hấp dẫn lao động - việc làm. Vì vậy, lực lượng lao động trẻ vùng duyên hải miền Trung bị hút mạnh vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo nguy cơ thiếu nhân lực bản địa phục vụ cho công nghiệp hóa trong tương lai. Trong cuộc cạnh tranh thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, một vài địa phương trong đó có Đà Nẵng, đã phải có các hành động đổi mới mạnh mẽ và chính sách quyết liệt. Cách tiếp cận và xử lý của thành phố Đà Nẵng trong vấn đề tuyển dụng và nhập cư được xem là phù hợp với nguyên lý cạnh tranh thị trường để tạo nguồn lao động có chất lượng, phù hợp với định hướng chiến lược cơ cấu kinh tế.

Quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực vùng duyên hải miền Trung không thể tách rời cơ cấu thị trường lao động dựa trên quy luật cung cầu bao gồm sự cạnh tranh và tham gia của các chủ thể là các doanh nghiệp. Việc tái cơ cấu kinh tế mỗi địa phương sẽ là điều kiện tiên quyết để xác định nhu cầu thị trường lao động. PGS, TS Trần Đình Thiên đề nghị bên cạnh định hướng phát triển du lịch chuyên nghiệp để tận dụng thế mạnh liên kết toàn vùng, mỗi địa phương trong vùng sẽ tìm kiếm sản phẩm công nghiệp - dịch vụ dựa trên lợi thế cạnh tranh, tạo sự khác biệt. Chẳng hạn, Đà Nẵng tập trung phát triển nhân lực cho các ngành kinh tế tri thức, Thừa Thiên-Huế chọn chiến lược phát triển nhân lực cho ngành y tế và chăm sóc sức khỏe đẳng cấp cao, Khánh Hòa phát triển nhân lực cho các ngành sản xuất các sản phẩm đặc thù phục vụ du lịch...

PHƯƠNG NGUYỄN

;
.
.
.
.
.