.

Coi chừng thương lái Trung Quốc

Hàng chục năm trước, tại các tỉnh miền núi phía Bắc rộ lên việc giết trâu lấy móng, đào gốc hồi lấy rễ bán cho thương lái người Trung Quốc. Lóa mắt trước đồng tiền, không ít kẻ hùa theo kiểu mua bán lạ đời này để rồi biết bao bản làng vắng bóng trâu cày, các rừng hồi bạt ngàn dọc biên giới bỗng dưng chết khô. Khi nhận ra hậu quả thì đã muộn, trâu đã thành vật tế thần cho sự ngu muội đó và những rừng hồi hàng trăm năm tuổi - nơi vẫn đem lại nguồn dược liệu quý - chỉ còn là những cây củi không hơn không kém. Đến lúc đó, người ta đua nhau vượt biên sang phía bên kia tìm mua trâu cày và mua hoa hồi dược liệu với giá trên trời.

Đó là chuyện của hàng chục năm trước, còn hiện tại, người dân huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) đang đua nhau đào bới cây ngâu cổ thụ hàng trăm năm tuổi bán cho thương lái Trung Quốc. Họ thừa biết, ngâu - loài cây quý - mỗi năm cho 2 đợt hoa, mỗi ký hoa có giá trên dưới 100.000 đồng. Thế nhưng, chỉ vì hám lợi trước mắt, họ đã đào bới cả vườn ngâu quý để bán. Nay thì ai nấy đều ngửa mặt kêu trời, nhưng trời kia đâu có thấu bởi chính họ đã tiếp tay cho kẻ khác phá hoại tài sản quý của mình. Số tiền bán ngâu giúp mua sắm được thứ này thứ nọ, song về lâu dài họ hết nguồn thu khi vườn ngâu chỉ còn là bãi đất trống. Và rồi, không còn cách nào khác, để có thứ hoa thơm ngát, quý phái thu hái từ những cây ngâu hàng trăm năm tuổi, người ta phải sang Trung Quốc mua về với giá đắt đỏ.

Có thể nói, chưa khi nào thương lái Trung Quốc tự do lùng sục và thu mua nông sản ở Việt Nam như thời gian này. Họ tìm mua từ heo con đến heo mẹ hơn chục lần ở cữ. Cứ sau mỗi đợt họ lùng sục mua bằng hết heo như vậy, nhà nhà để chuồng trống, bởi lấy đâu giống nuôi tiếp. Gần đây, tại huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), thương lái Trung Quốc tìm mua ớt xanh với giá hấp dẫn. Cả tin, thế là nông dân đua nhau phá bỏ cả cánh đồng bí đang lên xanh tốt, trồng ớt. Và rồi đến vụ thu hoạch thì chẳng thấy tăm hơi thương lái Trung Quốc đâu, nông dân phải trả giá đắt cho sự hám lợi của mình. Còn ở các tỉnh phía Nam, hầu như nơi nào nông dân cũng ăn “trái đắng” khi bị thương lái Trung Quốc lừa ngoạn mục. Nông dân ở Vĩnh Long, Đồng Tháp phá hàng nghìn ha lúa trồng khoai lang tím Nhật để bán. Nhưng khi giá từ 1.000 đồng/kg rớt xuống chỉ còn 200 đồng/kg thì chẳng thấy tăm hơi thương lái Trung Quốc quay lại. Bà con nuôi cua ở Cà Mau cũng đứng ngồi không yên khi bị thương lái Trung Quốc quỵt nợ hàng chục tỷ đồng. Người trồng dứa, thanh long ở Ninh Thuận, Bình Thuận cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Gần đây, thương lái Trung Quốc nhảy vào thu mua dừa ở Bến Tre và cũng đã làm người dân địa phương này dở khóc dở mếu trước kiểu mua dật dờ của số người không quen biết. Còn chuyện họ lùng sục thu mua hải sản thì hầu như nơi nào cũng có. Đứng sau họ là đầu nậu tại các cảng cá. Họ mua tất tần tật các thứ đưa từ biển về với giá hấp dẫn. Để rồi, chợ khan hiếm cá tôm, nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu không có nguyên liệu sản xuất, ngư dân tiếp tục duy trì các nghề bị cấm.

Không chỉ tiếp tay cho thương lái Trung Quốc phá hoại sản xuất ngay trong nội địa, mà không ít người bất chấp sự truy đuổi của lực lượng chức năng, cứ thế ào sang bên kia biên giới khuân về đủ thứ hàng kém chất lượng, kể cả nội tạng heo gà đã đến hồi ôi thiu. Trong khi hàng nông sản Việt Nam chọn loại tốt nhất đưa xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, đến cửa khẩu, bên kia ách lại với đủ thứ lý do. Chờ lâu, hàng trăm, hàng nghìn tấn dưa hấu, thanh long và các loại hoa quả khác đành chấp nhận đổ bỏ. Mua bán theo kiểu phá hoại như vậy mà dân ta đâu chịu nhận ra, cứ tìm mọi cách tiếp tay cho kẻ khác tàn phá sản xuất của chính mình. Đến như việc chuyển giao giống lúa lai cũng toàn những loại không thể làm giống cho vụ sau, để rồi đến vụ lại phải ngược biên giới đặt mua với giá cắt cổ.

 Đáng tiếc, tình trạng thương lái Trung Quốc tự tung tự tác trên thị trường nước ta đã nhiều năm nay, nhưng không hề bị ngăn cản, trái lại có khi được sự hỗ trợ, cổ súy của nhiều người. Phải chăng sự vô trách nhiệm và lóa mắt trước đồng tiền đã tạo cơ hội cho người nước ngoài tự do phá hoại sản xuất của nông dân ta. Nếu không kịp thời có giải pháp hữu hiệu trong lĩnh vực này, hậu quả sẽ khôn lường, để đến khi nhận ra thì đã quá muộn…

 NGUYỄN CẦU  

;
.
.
.
.
.