.

Khát vọng độc lập cháy mãi

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử, trịnh trọng tuyên bố với toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Để có nền độc lập ấy, dân tộc Việt Nam phải đổi xương máu của biết bao thế hệ trải dài suốt tiến trình lịch sử.

Trong lịch sử loài người, ít có dân tộc nào phải trải qua chiến tranh cứu nước, bảo vệ Tổ quốc dài và khốc liệt như dân tộc Việt Nam. Sau cuộc kháng chiến chống sự xâm lược của nhà Tần cuối thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, nước ta lâm vào thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn 1 thiên niên kỷ. Từ khi giành lại được độc lập, Tổ quốc ta lại phải đương đầu với hàng chục cuộc chiến tranh lớn, nhỏ đến từ các triều đại phong kiến phương Bắc. Rồi nửa cuối thế kỷ 19 đến hết nửa đầu thế kỷ 20 là sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân Pháp, Nhật kéo dài gần 100 năm; cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 20 năm và sau đó là các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Trên mỗi cột mốc biên cương, mỗi ngọn núi, khúc sông, mỗi ngõ đường làng đều in dấu các cuộc chiến đấu đánh đuổi giặc xâm lược của nhân dân ta.

Hàng triệu, hàng triệu người nằm xuống để Tổ quốc trường tồn. Mỗi tấc đất quê hương đều thấm đẫm xương máu của hàng bao thế hệ của con dân đất Việt kết tinh lại.

Tất cả các cuộc chiến mà dân tộc Việt Nam phải đương đầu có chung một đặc điểm: tương quan so sánh lực lượng thì kẻ thù nào cũng mạnh hơn ta gấp bội, bội lần cả về binh lực lẫn vũ khí, trang bị.

Tương quan trong cuộc chiến đó được Hồ Chí Minh khái quát hình tượng rất độc đáo: châu chấu đá voi. Kết cục, các chú châu chấu hiền lành, thông minh, mang khát vọng sống đã chiến thắng.

Chiến thắng đó trước hết thuộc về ý thức tự tôn dân tộc, sức sống mãnh liệt của một quốc gia văn hiến. Hơn 1.000 năm Bắc thuộc, kẻ thù dùng nhiều chính sách thâm độc, giảo quyệt, thực hiện chính sách ngu dân, mưu đồ đồng hóa dân tộc, nhưng người dân Việt Nam trong bùn đen vẫn thể hiện được sức sống mãnh liệt, giữ được bản sắc và kiên trì đấu tranh giành lại Tổ quốc.

Ý chí kiên cường, khát vọng độc lập cháy bỏng đã gắn kết toàn thể dân tộc thành một khối thống nhất, tạo thành sức mạnh vô biên mà không một kẻ thù nào khuất phục nổi.

Khát vọng đó đã trở thành quyết tâm của cả dân tộc: “Dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được tự do độc lập” và trở thành chân lý của thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Cách mạng Tháng Tám đã thay đổi số phận của một dân tộc, từ một nước nô lệ thành một nước độc lập, có chủ quyền; người dân Việt từ thân phận nô lệ thành người tự do, thành người chủ của đất nước. Cách mạng Tháng Tám là bước ngoặt lịch sử, đưa dân tộc vào kỷ nguyên độc lập, xây dựng cuộc sống tự do, hạnh phúc.

Đối với dân tộc Việt Nam, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ luôn là vấn đề thiêng liêng. Nhưng điều thiêng liêng ấy đang bị nước ngoài vi phạm trắng trợn. Họ ngang nhiên cướp và chiếm đóng trái phép một bộ phận lãnh thổ của Tổ quốc. An ninh vùng biển, đảo nước ta đang bị đe dọa bởi thế lực ngoại bang. Mặc dù sống trong thời bình, nhưng máu của đồng bào, đồng chí hơn một lần đã đổ để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần nhận thức sâu sắc rằng, công cuộc xây dựng đất nước phải gắn chặt với nhiệm vụ bảo vệ đất nước, bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. “Đó là ý chí của cả dân tộc, của Đảng ta, Nhà nước ta, nhất định chúng ta sẽ luôn giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ta” - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định.

QUÝ LÂM

;
.
.
.
.
.