.

Lấy lại vị trí quán quân không dễ

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được chính quyền các địa phương cả nước coi trọng, bởi nó thể hiện chất lượng điều hành kinh tế của bộ máy hành chính công nhằm tạo ra môi trường kinh doanh năng động và đầu tư hấp dẫn. Chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp (DN) thành phố Đà Nẵng đang đi tìm tiếng nói chung để công tác quản lý Nhà nước đạt hiệu quả như mong đợi từ 2 phía. Nguyên nhân tụt hạng PCI của Đà Nẵng đã được tìm ra những giải pháp khắc phục đòi hỏi nỗ lực không nhỏ.

Theo kết quả khảo sát PCI 6 tháng đầu năm 2012 do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng thực hiện, các chỉ số về thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước, dịch vụ hỗ trợ DN, tính minh bạch, tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất được các DN khảo sát đánh giá có cải thiện đáng kể so với năm 2011. Tuy nhiên, các chỉ số về đào tạo lao động, tính năng động và tiên phong của chính quyền, chi phí không chính thức, chi phí gia nhập thị trường và thiết chế pháp lý kém khả quan hơn so với năm 2011.

Chỉ số đáng quan tâm đầu tiên là về đào tạo lao động. Các DN đánh giá rất thấp về chất lượng lao động và dịch vụ đào tạo trong khảo sát năm 2012. Chất lượng dịch vụ công về đào tạo nghề tiếp tục giảm gần 50% và tỷ lệ DN sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ tuyển dụng, giới thiệu việc làm cũng tiếp tục giảm 50% so với năm 2011.

Đối với chỉ số tính năng động và tiên phong của chính quyền thành phố, khảo sát cho thấy “DN đánh giá thái độ của chính quyền đối với DN tư nhân thấp; chính quyền ưu tiên các DN nước ngoài hơn các DN trong nước, các hợp đồng đất đai và các nguồn lực khác rơi vào tay các DN có liên kết chặt với chính quyền”.

Một chỉ số làm đau đầu các nhà nghiên cứu, khảo sát khi phải công bố, đó là sự kém khả quan so với năm 2011 và tình trạng phổ biến về chi phí không chính thức. 47,2% DN được khảo sát phải trả thêm các chi phí không chính thức và 44,9% còn gặp tình trạng nhũng nhiễu khi làm các thủ tục liên quan đến Nhà nước. 31,6% DN cho rằng, các thủ tục vay vốn rất phiền hà và vẫn còn 18,3% DN tiết lộ phải “bồi dưỡng” cho cán bộ ngân hàng để được vay vốn.

Về khả năng tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, các DN đánh giá thấp về tính ổn định của mặt bằng kinh doanh mặc dù quy hoạch đất đai của thành phố hợp lý hơn, công tác giải phóng mặt bằng nhanh hơn và thủ tục về đất đai ít phức tạp hơn.

Tính minh bạch, chi phí gia nhập thị trường, thiết chế pháp lý tuy  kết quả khảo sát giảm không đáng kể nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tụt điểm trong năm này.

Trong số hàng loạt giải pháp của các ban, ngành, DN đề xuất, kiến nghị, chính quyền thành phố đang rà soát để nhanh chóng có các bước đi phù hợp. Tuy nhiên, cốt lõi vấn đề là thành phố luôn thể hiện quyết tâm đồng hành với DN, nâng cao chất lượng điều hành nền kinh tế địa phương.

DN cả nước nhìn nhận Đà Nẵng là nơi khởi đầu của nhiều sáng kiến và thử nghiệm trong đổi mới kinh tế. Họ quan sát năng lực điều hành, bước đi và sự đột phá của Đà Nẵng sẽ tạo ra động lực tiếp tục cải cách hành chính, tạo cơ hội cho kinh tế dân doanh phát triển. Trước yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế nói chung và DN nói riêng, hoạt động cải cách của chính quyền ngày càng khó. Vì vậy, việc lấy lại và duy trì vị trí quán quân của Đà Nẵng đòi hỏi thành phố phải nỗ lực hoàn thiện và DN phải năng động nhiều hơn nữa mới có thể bứt phá.

PHƯƠNG NGUYỄN

;
.
.
.
.
.