Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Việt Nam có một thế hệ vàng: Những người sinh vào khoảng những năm trước sau 1910. Nếu họ còn sống thì đều chừng 100 tuổi.
Vừa qua, chúng ta đã long trọng kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Giáo sư Tôn Thất Tùng, và tháng 8 này cùng cả nước, Quảng Nam-Đà Nẵng kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Võ Chí Công - Người con ưu tú của thế hệ vàng ấy.
Có thể kể vào thế hệ này, các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, hai anh em Phan Thanh-Phan Bôi, Giáo sư Trần Văn Giàu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... và nhiều người khác nữa.
Thời đại đã trao cho thế hệ ấy một big bang của tinh thần yêu nước Việt Nam. Đó là nguyên liệu cơ bản đầu tiên làm nên chất vàng ròng của họ.
Trong thời đại ấy, thế hệ trẻ chứa chan dòng máu yêu nước trong từng huyết quản, sôi sục ý chí cứu nước trong những trái tim hồng thì dấn thân vào con đường cách mạng và chiến đấu đến cùng trên con đường ấy là một sự tất yếu.
Võ Chí Công đã trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp không bao lâu sau ngày thành lập Đảng 3-2-1930 (Đảng bộ Quảng Nam ra đời sau đó 53 ngày), ông hoạt động liên tục suốt gần nửa thế kỷ, 15 năm đầu ông hoạt động bí mật trong sự theo dõi kìm kẹp của địch và đã nhiều lần bị giam cầm, tra tấn. 30 năm về sau tuy ở vị trí một nhà lãnh đạo cấp chiến lược nhưng ông luôn sống, chiến đấu trong những hoàn cảnh khó khăn gian khổ nhất của Liên khu 5, chiến trường Đông Bắc Miên, của cả miền Nam đắng cay, chung thủy, gan góc, dạn dày.
Trong hoàn cảnh ấy, để có thể sống, tồn tại, lao động và chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp cách mạng, ông cũng như các đồng chí, đồng đội của mình nhất thiết phải dựa vào nhân dân, nhất thiết phải bám sát thực tiễn cuộc đấu tranh.
Cách mạng miền Nam, môi trường hoạt động chủ yếu của ông trong gần 30 năm là một cuộc trường chinh đặc biệt với nhiều thắng lợi huy hoàng và cũng không ít những thất bại nặng nề.
Sau ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, thực hiện chuyển quân tập kết, chế độ Ngô Đình Diệm - tay sai Mỹ với quốc sách tố cộng, diệt cộng đã đánh phá điên cuồng hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng. Đảng bộ Quảng Nam-Đà Nẵng trước tháng 7-1954 có hơn 35.000 đảng viên, đến cuối năm 1958 chỉ còn dưới 100 đảng viên.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tuy về đại cục đã làm thay đổi cục diện chiến trường. Mỹ từ chỗ thấy mình không thể thắng đã phải chấp nhận mình có thể thua và do nhiều nguyên cớ trong nước và quốc tế đã quyết định xuống thang. Nhưng ta tổn thất không nhỏ, không chỉ lực lượng quân sự mà cả tinh binh trên các mũi đấu tranh chính trị, binh địch vận, nhiều vùng giải phóng đã bị bom đạn, chất độc, máy cày hủy diệt, nạn đói đe dọa cả quân và dân.
Làm thế nào để đứng dậy tiếp tục cuộc chiến đấu và giành thắng lợi từng bước, ông Võ Chí Công và các đồng chí chỉ có một cách là dựa hẳn vào dân, là bám sát thực tiễn. Chiến tranh, nhất là chiến tranh giải phóng không chấp nhận sự hèn nhát, dao động, nó càng không chấp nhận mọi biểu hiện quan liêu, giáo điều. Không ai ra trận với những nguyên lý kinh sách. Quan liêu, giáo điều sẽ bị thực tiễn chiến trường nghiền nát.
Có thể vì thế mà sau ngày toàn thắng, ở cương vị một trong những người lãnh đạo cao nhất của Chính phủ lo xây dựng và phát triển kinh tế, vì cuộc sống ông như giữ nguyên phong cách một nhà lãnh đạo thời chiến.
Được phân công chỉ đạo mặt trận nông nghiệp, mặt trận hàng đầu, nơi sống 70 - 80% dân cư và nuôi sống cả đất nước, địa bàn của lực lượng trung kiên, chí cốt với cách mạng từng “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, điều ông lo lắng, trăn trở hơn cả là làm sao phát triển sản xuất nông nghiệp để đất nước này có đủ gạo ăn thì mới nói đến giàu mạnh được, làm thế nào để người nông dân không còn thèm cơm ngay trên đồng lúa màu mỡ của mình. Lúc này, nhiều người kể cả những cán bộ cao cấp phụ trách lĩnh vực nông nghiệp có nhận thức chủ nghĩa xã hội = hợp tác xã = khoán việc, nếu bỏ khoán việc coi như mất chủ nghĩa xã hội, họ chỉ biết tụng niệm như vậy không cần biết nông dân đang đói vàng mắt.
Cái mà họ giữ gọi là chủ nghĩa xã hội có thể chỉ là cái ghế của họ. Nói cho công bằng cũng có nhiều người chỉ biết hợp tác xã là chủ nghĩa xã hội và phải giữ như giữ cái bàn thờ của gia đình.
Ông Võ Chí Công đi về nông thôn đích thân tìm hiểu, khảo sát, lao vào cuộc đấu tranh đổi mới, quản lý sản xuất nông nghiệp với biết bao gian nan, nguy hiểm.
Lắng nghe dân, bám sát thực tiễn, người dân nói với ông 95% ruộng đất đã giao cho hợp tác xã là cha chung không ai khóc nên chỉ chăm bẵm đất 5% để nuôi sống cả nhà. Nhiều người còn nói, quản lý hợp tác xã theo kiểu này thì còn cảnh “thằng còng làm, thằng ngay ăn” hay nói thời sự hơn “thằng đội nón cời làm, thằng đội nón cối ăn”. Từ thực tiễn ông biết rằng, ở rất nhiều nơi cán bộ, nông dân đã thực hiện khoán chui, họ biết như thế là có lỗi với Đảng nhưng “đói quá phải chui còn đúng hay sai hạ hồi phân giải”.
Ông đã khôn khéo để quyết định khoán đến người lao động, đặt lợi ích của người lao động lên trên hết, được trở thành chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Nhà báo lão thành Thái Duy đã viết “Hiếm có lãnh đạo cấp cao nào bám sát cơ sở và luồn lách qua đủ mọi chướng ngại do bộ máy quan liêu dựng lên để đưa khoán chui ra khỏi thế bất hợp pháp, không còn bị cấm kỵ nữa. Khoán chui đã chiếm ưu thế áp đảo”.
Thái Duy còn cho biết, nông dân Nghệ Tĩnh nói với Thủ tướng Phạm Văn Đồng “Bà con coi người đã nghĩ ra khoán mới này là một ông thần nông và rất mong biết ai là người đã nghĩ ra khoán mới để sống tết, chết giỗ”.
Người có công đầu đó là ông Võ Chí Công, nhưng ông không phải là kiểu người thành tích thì là của tôi, sai lầm, khuyết điểm thì là của chúng ta. Điều ông quan tâm hơn hết là cuộc sống của người dân, với ông chân lý chỉ có thể được trải nghiệm, xác nhận qua thực tiễn.
Một lão tướng đã vào tuổi cổ lai hy, gần 50 năm xông pha trận mạc. Nay đất nước đã yên bình, hoàn toàn có thể gác kiếm, vui thú điền viên cùng con cháu, thế mà lại đi vào một mặt trận mới, mới thì đã đành khó nhưng còn nguy hiểm vì cái mới không dễ gì được ủng hộ ngay, lại còn có thể bị quy chụp là mất lập trường, là đốt hết sách Mác-Lênin, là làm suy yếu chủ nghĩa xã hội. Và như vậy, có thể bao nhiêu công tích, hào quang của một thời chiến trận cũng bị cuốn theo chiều gió.
Ông không hề có những toan tính đó, trong ông trước sau như một chỉ có lòng yêu nước, thương dân; chỉ có ý chí vì nước, vì dân. Ông đích thực là người con ưu tú của thế hệ vàng.
NGUYỄN ĐÌNH AN