.

Nỗi lo cháy rừng

Với diện tích rừng chỉ gần 50.000ha, ít nhất trong số các địa phương có rừng của cả nước, nhưng Đà Nẵng đang đứng đầu về số vụ cháy rừng và quy mô cháy lớn trong năm 2012. Hơn 7 tháng đầu năm nay, trên địa bàn Đà Nẵng xảy ra gần 20 vụ cháy rừng, thiệt hại hàng trăm ha rừng các loại. Vụ cháy vào chiều 2-5 tại rừng đặc dụng nam Hải Vân thiêu rụi hơn 100ha rừng tự nhiên, rừng trồng là vụ lớn nhất ở Đà Nẵng và lớn nhất cả nước từ đầu năm đến nay. Điều đáng nói là các vụ cháy rừng liên tiếp xảy ra vào thời điểm không nắng nóng gay gắt, trong đó ngày 10-8 xảy ra 3 vụ ở quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang, thiêu rụi hàng chục ha rừng trồng.

Đối với tài nguyên lâm sản và công tác quản lý bảo vệ rừng ở Đà Nẵng, cháy rừng đã và đang là mối hiểm họa tiềm tàng rất khó ngăn chặn. Không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà mỗi khi xảy ra cháy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và các đơn vị quân đội, Công an… huy động nhiều nhân lực, trang thiết bị, phương tiện tham gia chữa cháy tốn rất nhiều thời gian, công sức và kinh phí. Chỉ riêng vụ cháy lớn tại rừng đặc dụng nam Hải Vân đã có 1.270 người và 12 xe cứu hỏa tham gia chữa cháy. Sau vụ cháy này, UBND thành phố trích ngân sách hơn nửa tỷ đồng hỗ trợ các đơn vị trực tiếp chữa cháy.

Điều lo ngại nhất hiện nay là rừng ở Đà Nẵng có thể cháy bất cứ lúc nào, cơ quan kiểm lâm không thể dự báo và ngăn chặn nổi. Càng lo ngại hơn khi tất cả các vụ cháy đã xảy ra đều không tìm ra thủ phạm gây cháy, từ đó không thể triển khai một cách hữu hiệu các biện pháp phòng ngừa. Trong khi đó, có vụ được đổ lỗi cho vật liệu nổ sau chiến tranh sót lại phát nổ, hoặc sét đánh gây cháy (!?). Nhiều người dân vùng cận rừng rất bức xúc trước sự biện minh không có cơ sở này. Gần 40 năm sau chiến tranh, trải qua biết bao biến động của thời tiết, vật liệu nổ đã bị đất cát và cây cối phủ kín. Nói nhiệt độ môi trường tự nhiên 37 - 38 độ C tác động gây nổ thì liệu có cơ sở khoa học không? Nếu vì nắng nóng gây nổ thì gần 40 năm qua, số bom đạn sót lại này đã nổ hết, đâu còn đến bây giờ.

Chưa hết, người ta còn cố tình đổ oan cho cả trời. Sét đánh gây cháy rừng là điều rất khó xảy ra. Trong khi đó, nhiều người dân ở thôn Đại La (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) - nơi có vụ cháy rừng vào chiều tối 19-5 đinh ninh rằng, những người đốt ong không cẩn thận khi dập tắt lửa trước khi xuống núi, để rồi ngọn lửa âm ỉ còn sót lại gặp gió to trước cơn mưa bùng lên gây cháy rừng. Vậy mà một số người cố tình ngụy biện cháy rừng do sấm sét gây nên. Sự biện minh này là một trong các nguyên nhân làm tình trạng cháy rừng ở Đà Nẵng ngày càng phức tạp.

Có thể khẳng định rằng, tất cả các vụ cháy rừng từ trước đến nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đều do con người gây ra. Đó là những người vào rừng chặt củi, đốt than; khai thác gỗ, săn bắt động vật hoang dã trái phép; rà tìm sắt phế liệu, đốt ong, bẫy chim, du lịch sinh thái; xử lý thực bì rừng sau thu hoạch; đốt vàng mã, thắp hương viếng mộ… bất cẩn khi sử dụng lửa gây nên cháy rừng. Và cũng không loại trừ tình trạng cố tình đốt, gây thiệt hại tài sản người khác do mâu thuẫn cá nhân. Có điều, những người có trách nhiệm đã không tuần tra cảnh giới đến nơi đến chốn, ngăn chặn kịp thời, hoặc chí ít cũng phát hiện thủ phạm để xử lý, răn đe. Kết cục là khi cháy rừng, chính quyền địa phương và cơ quan liên quan gồng mình chữa cháy, còn nguyên nhân gây cháy đều chìm vào im lặng.

Phải nói rằng, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến cháy rừng ở Đà Nẵng là lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng quá lơ là trong khâu tuần tra cảnh giới, việc giáo dục, tuyên truyền trong cộng đồng dân cư, nhất là vùng cận rừng không đến nơi đến chốn. Thậm chí, giải pháp tuyên truyền bằng trực quan khá hiệu quả đó là dựng các bảng biển cấm lửa tại vùng rừng cũng không được triển khai. Trước đây, tại khu vực rừng nhiều người qua lại thường xuất hiện các bảng cấm lửa gắn trên các gốc cây, thời gian gần đây bỗng dưng mất hẳn. Nói đúng hơn, cơ quan kiểm lâm đã không xây dựng được thế trận toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng. Thêm vào đó, các vụ cháy rừng không xác định được nguyên nhân và tìm ra thủ phạm để xử lý, những người có trách nhiệm trong phòng cháy, chữa cháy rừng không hoàn thành nhiệm vụ vẫn bình chân như vại, rút kinh nghiệm qua loa đại khái nên cháy rừng tiếp tục xảy ra là điều khó tránh khỏi.

Không có giải pháp nào tốt hơn để “cắt mạch” cháy rừng hiện nay bằng việc cơ quan kiểm lâm, chính quyền các cấp ở Đà Nẵng nhanh chóng giải mã nguyên nhân gây cháy, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quản lý bảo vệ rừng. Không chỉ đối tượng gây cháy mà các đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng để xảy ra cháy cũng phải bị xử lý thích đáng. Rừng Đà Nẵng chỉ có thể bình yên khi cơ quan kiểm lâm và chính quyền các địa phương có rừng vào cuộc quyết liệt, có trách nhiệm và mỗi người dân nêu cao trách nhiệm bảo vệ rừng.

NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.