Chuyện chạy quy hoạch như cơi nới, xây dựng nhà cửa, bứng cây sống trồng cây chết… trở thành chuyện thường ngày trong những khu vực quy hoạch, giải tỏa. Trong sự chạy đó, có nhiều kỷ lục xuất hiện, trong đó dư luận không thể quên kỷ lục xây nhà tạm nhanh nhất thuộc dự án Làng Vân. Mặc dù địa hình cách trở, đường sá đi lại khó khăn, nhưng trong vài ngày, đã có hơn trăm ngôi nhà tạm mọc lên giữa Làng Vân nghèo khó.
Nhưng kỷ lục này đến nay phải nhường cho chuyện chạy quy hoạch ở dự án Đồng Nò.
Hơn tất thảy, ở dự án Đồng Nò, người ta chạy quy hoạch bằng “sổ đỏ” - tức Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở.
Sau khi Đồng Nò - vốn là một gò đất nà thổ - được quy hoạch thành “Khu đô thị sinh thái, công viên văn hóa làng quê và quần thể du lịch sông nước”, thì giới làm ăn đưa ra “chiêu độc”, táo tợn này. Có lẽ đây là cú đánh cuối cùng vì từ năm 2014, Đà Nẵng chủ trương chấm dứt giải tỏa chăng?
Theo số liệu của Ban Giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 1, Đồng Nò có 78 hộ dân với 326 nhân khẩu. Trong số 26ha đất thu hồi để thực hiện dự án nhưng có 229 thửa đất ở. Ngoài ra còn có 100 sổ đỏ chồng lên đất nông nghiệp và đất ở của người dân địa phương chưa kiểm định đền bù và 35 sổ đỏ đất ở khác mà người có sổ đỏ “bỏ quên” đang được xếp vào diện đất vắng chủ. Nhiều chuyện nghe rất hài hước, khi cán bộ Ban giải tỏa đền bù hỏi người sở hữu sổ đỏ, thì được trả lời, họ không biết đất mình ở đâu! Việc diện tích các sổ đỏ đã cấp vượt xa đất thực tế, người được cấp không phải là dân địa phương và cũng không hề biết vị trí đất mình được cấp tại Đồng Nò khiến dư luận có quyền luận đoán đến chuyện có chăng một “thế lực đen” đang khuynh đảo chuyện đền bù, giải tỏa tại dự án Đồng Nò để mưu lợi cá nhân.
Có sổ đỏ, họ được lợi kép. Họ được đền bù về đất và vật kiến trúc trên đất đó; được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với những hộ trong diện giải tỏa; được bố trí tái định cư ở những khu đô thị mới mà giá trị của lô đất tái định cư gấp nhiều chục lần giá đất vùng nà thổ. Trong quá trình quy hoạch, chỉnh trang đô thị ở Đà Nẵng, nhiều trường hợp giàu lên nhanh chóng qua cách đầu cơ này. Họ mua nhà xập xệ, thậm chí nhà xây chạy quy hoạch với giá rất rẻ, sau đó hợp thức hóa, được hưởng các chính sách ưu đãi khi giải tỏa…
Theo quy định hiện hành, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở thuộc quyền hạn của UBND cấp quận, huyện. Như vậy, sự “loạn” sổ đỏ ở Đồng Nò liên quan đến trách nhiệm của chính quyền huyện Hòa Vang trước đây, quận Cẩm Lệ và quận Ngũ Hành Sơn hiện nay.
Từ Đồng Nò cho thấy, công tác quản lý Nhà nước về đất đai ở các địa phương liên quan là có vấn đề. Sự “u u minh minh” ở đây cần được cắt nghĩa rõ ràng. Cơ quan có trách nhiệm quản lý, cấp sổ đỏ ở huyện Hòa Vang trước đây, quận Cẩm Lệ, quận Ngũ Hành Sơn hiện nay cần phải trả lời rõ ràng các câu hỏi: Những sổ đỏ không phải là người địa phương là những ai? Tại sao một thửa đất có hai sổ đỏ? Ai là người trực tiếp kiểm tra, lập hồ sơ để chính quyền địa phương cấp sổ đỏ? Hoạt động của đường dây làm sổ đổ, chạy quy hoạch?
Để có một Đà Nẵng đàng hoàng, to đẹp như ngày nay, gần 100.000 hộ dân phải giải tỏa, di dời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Để bù lại những thiệt thòi đó, Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi họ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những hộ tái định cư sớm ổn định cuộc sống. Thế nhưng, những chính sách đó bị một bộ phận - dù rất nhỏ - lợi dụng, làm sai lệch với mục đích tư lợi. Dư luận đòi hỏi thành phố cần xử lý kiên quyết những người liên quan đến việc cấp sổ đỏ bất thường này, những tiêu cực trong việc bố trí tái định cư tại dự án Đồng Nò.
QUÝ LÂM