.

Tình thương không đến muộn

GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, rơi nước mắt nói rằng ông xin lỗi vì đến muộn với các em nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng. Lẽ ra, ông đã đến sớm hơn, không phải dịp Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam năm nay, mà có thể là từ nhiều năm, nhiều tháng trước.

Có lẽ, những gì ông nhìn thấy hôm nay không khác so với các thước phim, câu chuyện trên đài, báo về nỗi đau da cam. Nhưng nếu đã một lần đến và đối mặt với những phận người bằng xương, bằng thịt đang mang trong mình tội lỗi của chiến tranh, mới cảm hết những yêu thương rung lên nơi trái tim đồng cảm. Theo kế hoạch, chuyến đến thăm của ông và các cộng sự sẽ tặng 25 triệu đồng cho các nạn nhân, nhưng rồi ông đã tặng thêm 5 triệu đồng nữa và hứa sự hỗ trợ chắc chắn không dừng lại.

Mấy ngày qua, theo chân các đoàn từ thiện đến thăm và tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam, chúng tôi bắt gặp nhiều câu chuyện yêu thương tương tự trường hợp của GS.TS Tạ Ngọc Tấn. Mọi cuộc gặp gỡ với nạn nhân chất độc da cam đều bắt đầu bằng sự tình cờ, không nhiều suy tính cho một chương trình từ thiện dài hơi, nhưng đã gặp rồi thì cứ thương thương, xót xót như một nỗi ám ảnh không nguôi.

Ngay như ngày hôm qua, trong đoàn đến với nạn nhân tại huyện Hòa Vang có duy nhất một “ông Tây”. Đã vậy, ông lại mang theo món quà rất “quê” đó là một con bò giống. Ông là Chuck Palazzo (59 tuổi) đến từ Tổ chức Cựu Chiến binh vì hòa bình của Hoa Kỳ, từng là lính thủy đánh bộ tham chiến tại Đà Nẵng năm 1968. Một ngày đẹp trời của hai năm trước, các cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố không biết từ đâu có một người nước ngoài mang ít tiền đến và nói: Cho tôi biếu các nạn nhân da cam.

Từ đó đến nay, không chỉ có tiền làm quà nữa, Chuck đi tìm hiểu hoàn cảnh, đời sống của các gia đình nạn nhân để trao phương tiện sinh kế giúp họ vươn lên hoặc sẻ chia thiết thực với người bệnh tật. Giờ thì Chuck “chọn Đà Nẵng là nơi sinh sống, và cố gắng làm những gì có thể để đồng hành với nạn nhân vượt qua nỗi đau trong khi chờ Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất có động thái bồi thường thiệt hại”.

Cái kiểu “tự nhiên” mang tiền tới tặng như Chuck Palazzo không phải là ngoại lệ. Anh Trần Công Bình, Giám đốc Siêu thị nội thất Đài Loan, trong lần đầu tiên tìm đến Hội còn mang hẳn một xe tải với hàng trăm phần quà rồi nói gọn: “Cho em tặng nạn nhân” và nhất quyết không tiết lộ lai lịch người gửi. Giờ thì Trần Công Bình không còn là nhân vật “ẩn danh” với Hội khi anh đang nhận trợ dưỡng thường xuyên cho 80 nạn nhân chất độc da cam và luôn sẵn sàng có mặt với những gia đình chẳng may gặp khó khăn đột xuất…

Chưa biết đến khi nào nạn nhân chất độc da cam được giành lại công lý, các thế hệ sau không còn bị phơi nhiễm dioxin? Chỉ biết một điều, trên hành trình sống đầy đớn đau của họ luôn sẵn có những yêu thương đồng hành từ những trái tim biết rung cảm như thế…

Toàn Vân

;
.
.
.
.
.