.

Trả em về thơ ngây!

Câu chuyện cậu bé Nhật Tiến, thí sinh của Đồ Rê Mí bật khóc khi đang trình diễn bài “Gọi mẹ trong mơ” tưởng chừng là chuyện nhỏ, nhưng lại làm bùng lên trong cộng đồng mạng hàng nghìn lời chỉ trích, khen chê. Những lời lẽ cay độc đã được dành cho cậu bé chưa đầy 10 tuổi, nào là “già dặn”, “diễn quá đạt”, “có đủ cha mẹ mà sao khóc hay vậy?”... Và chính vì tin rằng em bé đã “diễn” nên dư luận bắt đầu đặt ra nghi vấn về sự sắp đặt của người lớn lên tâm hồn trẻ thơ.

Trong lúc thị trường âm nhạc tỏ ra lộn xộn với quá nhiều trường phái, phong cách, sắc màu, mỗi cuộc thi âm nhạc đều được công chúng tập trung chú ý để sẵn sàng đẩy những chuyện tưởng là bình thường lên thành scandal đình đám. Cách đây không lâu, Quỳnh Anh và mẹ mình đã gây tranh cãi, thậm chí bị chỉ trích gay gắt trên các trang mạng, sau khi em thể hiện tài năng của mình ở cuộc thi Vietnam’s Got Talent. Đến nỗi, cô bé mới 15 tuổi đã mất ăn, mất ngủ, tinh thần rối loạn và phải viết thư kêu cứu lên Quốc hội. Đành rằng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho dư luận trong những lình xình không đáng có, bởi trong câu chuyện này, mẹ của Quỳnh Anh là một trong những tác nhân châm ngòi cho tranh cãi, gây tổn thương nghiêm trọng đến con mình. Nhưng bỗng dưng trong mắt khán giả, mọi việc làm của Quỳnh Anh liên quan đến cuộc thi Vietnam’s Got Talent đều có sự sắp xếp của mẹ, kể cả bức thư em gửi lên Quốc hội.

Những đơn vị tổ chức các cuộc thi đã khéo léo thu hút khán giả bằng những scandal và tạo nên một cơn sóng ngầm đua tranh không phải giữa những em nhỏ, mà là giữa những người thân của các em. Trong trang web của mình, một ca sĩ, đồng thời là thành viên Ban giám khảo Đồ Rê Mí đã phản ứng về việc những người mẹ không cho con ăn nhiều “để hát cho hay”, “để khỏi trôi son môi”, hoặc tự mình quyết định chọn bài cho con bất chấp bé có thích hay không. Trước áp lực của cuộc thi do chính người lớn tạo ra, các bé mệt mỏi với hàng loạt hoạt động trước khi lên sân khấu như thử lại và hoàn thiện đồ diễn, trang điểm, tập hát, trả lời phỏng vấn, quay hình những phân đoạn ngắn để phát sóng trước mỗi phần thi. Đêm về, các bé mới được ăn bữa tối, rồi còn lo tắm, gội những mái tóc rối bù bết keo xịt tóc, để sáng mai lại tiếp tục đến trường quay chạy chương trình cho số tiếp theo. Với sức ép nghẹt thở như vậy, liệu chương trình có phải là sự so tài hồn nhiên của những thiên thần bé nhỏ, hay là sự đua tranh khốc liệt của chính người lớn? Khi sự đua tranh lên đến đỉnh điểm, lập tức, những cú “ném đá” thiếu tính nhân văn trên cộng đồng mạng đã làm tổn thương không nhỏ đến tinh thần và tâm hồn của trẻ. Đồ Rê Mí chỉ là một cuộc chơi. Mà đã là cuộc chơi, các bé phải được toàn quyền quyết định việc chơi như thế nào một cách thơ ngây như chính tâm hồn bé. Nếu nói đó là một cuộc so tài, thì cuộc so tài đó cũng cần sự hồn nhiên mới làm nên linh hồn và sức hấp dẫn của chương trình.

Không chỉ trong những cuộc thi âm nhạc, người lớn đã cho mình quyền can thiệp quá sâu trong rất nhiều hoạt động, sinh hoạt của con trẻ. Năm học mới đang đến gần, và ngay trước thềm năm học mới, trẻ em cũng là nạn nhân của việc cha mẹ chạy trường, chạy lớp, chạy điểm, cốt sao cho con mình phải vào được trường điểm, lớp chuyên. Còn nhớ, hàng nghìn phụ huynh muốn con mình có tấm vé vào một trường “đỉnh” ở Hà Nội đã thức trắng đêm và cùng nhau thực hiện một hành động không đẹp mắt là đạp đổ cánh cổng trường. Tuy nhiên, đó đâu phải là điều mà trẻ thơ thật sự mong muốn! Từ nhỏ đã chứng kiến cha mẹ tranh đua, giả dối vì thành tích thì làm sao các em có thể sống và học tập giữa đời một cách hồn nhiên?

Chắc hẳn nhiều người lớn hiểu rõ cần trả lại sự thơ ngây cho trẻ em, không nên kéo các em vào cuộc đua của người lớn. Song, làm được điều này không dễ khi có quá nhiều tác động, quá nhiều ảnh hưởng của cuộc sống.

H.V

;
.
.
.
.
.