.

Tuyển cán bộ lãnh đạo

Sau 6 năm triển khai thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các đơn vị sự nghiệp, chủ yếu là ngành giáo dục, Thành ủy Đà Nẵng đã quyết định đưa việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp qua thi tuyển thành một chủ trương chính thức tại Quyết định số 6221/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng. Như GS Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Tokyo) với bài viết “Cần tổ chức thi tuyển quan chức Nhà nước” trên Báo Đà Nẵng ngày 10-8-2012 thì Đà Nẵng đã bắt đầu thi tuyển quan chức.

Có thể thấy, những điểm mới rất đáng chú ý của chủ trương này là mở rộng cả đối tượng lẫn số lượng chức danh dự thi. Trước hết là mở rộng thi tuyển cán bộ lãnh đạo từ đơn vị sự nghiệp đến cơ quan hành chính. Nếu như trong thời gian thí điểm chỉ thi tuyển cấp phó thì nay thi tuyển cả cấp trưởng, chức danh cao nhất là giám đốc sở và tương đương. Điều đặc biệt là đối tượng dự thi (công dân Việt Nam) đã được mở rất rộng. Không chỉ cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức trong hệ thống chính trị của thành phố mà đối tượng dự thi còn mở ra các cơ quan, đơn vị tương tự không thuộc thành phố Đà Nẵng, mở đến cả người công tác trong các tổ chức không thuộc cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.

Sẽ có nhiều người có cơ hội dự thi tuyển cán bộ lãnh đạo  cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của thành phố Đà Nẵng nếu đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo Quyết định 6221/QĐ-UBND. Như vậy, cùng với chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, Đà Nẵng đã mạnh dạn đột phá mở rộng đối tượng để lựa chọn dưới hình thức thi tuyển ra phạm vi các cơ quan, đơn vị, tổ chức không thuộc thành phố. Điều này càng khẳng định sự trân trọng của Đà Nẵng trong việc “trải thảm” mời gọi và trọng dụng người tài theo tinh thần “hiền tài là nguyên khí quốc gia”.

Theo tiêu chí, điều kiện để được dự thi tuyển, ứng viên dù đang công tác ở ngoài các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước thì cũng phải là những người “sáng giá”, có triển vọng ngay tại cơ quan, tổ chức nơi họ đang công tác. Mở rộng đối tượng dự thi tuyển cán bộ lãnh đạo, “bó đũa” sẽ nhiều hơn, chắc chắn “cột cờ” được chọn sẽ chất lượng hơn. Chủ trương thi tuyển cán bộ lãnh đạo của thành phố đề cao nguyên tắc công khai, công bằng, cạnh tranh và bình đẳng; kết hợp hài hòa giữa bổ nhiệm truyền thống và bổ nhiệm qua thi tuyển. Thành phố khuyến khích việc bổ nhiệm thông qua việc trình bày đề án trước một hội đồng.

Như vậy, chỉ có người thật sự tài, đức, thể hiện năng lực và phong cách cần có của người lãnh đạo mới được chọn. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”. Người trúng tuyển vị trí lãnh đạo sẽ là người được tin tưởng giao nhiệm vụ gánh vác vì sự nghiệp phát triển thành phố Đà Nẵng năng động. Chủ trương thi tuyển để bổ nhiệm lãnh đạo của thành phố Đà Nẵng với nhiều điểm mới nhưng không xa rời nguyên tắc: Đảng lãnh đạo và trực tiếp quản lý cán bộ; phát huy vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ; đồng thời đề cao vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội trong việc giám sát quá trình tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý.

Có thể nói rằng, cách thức thi tuyển để bổ nhiệm lãnh đạo của Đà Nẵng là khởi đầu đột phá đổi mới trong công tác cán bộ. Với cách thức này, không có cửa cho những người “chạy chức” để lên làm cán bộ theo “Công thức: hậu duệ, tiền tệ, cùng hệ...” mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) từng chỉ ra những mặt hạn chế trong công tác cán bộ. Chỉ những người tài, đức, có phẩm chất lãnh đạo thật sự mới được chọn và họ sẽ tiến thân trên đôi chân của mình, bằng chính năng lực, phẩm chất, sự cống hiến cho sự nghiệp đổi mới đất nước.

ĐAN LÊ

;
.
.
.
.
.