.

Xây dựng cán bộ đủ chuẩn

Phát biểu tại hội nghị triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về đổi mới công tác cán bộ vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Người cán bộ tốt phải là người dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Đây là yêu cầu cần thiết đối với những công bộc của dân, do dân tín nhiệm giao quyền lãnh đạo, quản lý, điều hành hệ thống chính trị của Đảng, chính quyền. Tuy nhiên, để xây dựng được đội ngũ cán bộ đủ chuẩn, đáp ứng được yêu cầu trên là cả một quá trình đầu tư lâu dài, bền bỉ, trải qua nhiều khâu, từ tuyển dụng, sử dụng đến bố trí, bổ nhiệm, luân chuyển…

Cán bộ dám nói thẳng, nói thật, dám làm và tự chịu trách nhiệm hay không? Câu hỏi này không dễ trả lời bởi trên thực tế, rất nhiều cán bộ trong hệ thống chính trị của Đảng và chính quyền không dám nhìn thẳng sự thật, không dám bày tỏ chính kiến, quan điểm cá nhân. Bản thân họ tự “ẩn” mình trong tập thể, không dám trực diện thẳng thắn phê bình cũng như tự phê bình khuyết điểm, hạn chế của chính mình và những người xung quanh. Cấp dưới không dám phê bình cấp trên. Trong khi đó, cấp trên nương nhẹ với những khuyết điểm của cấp dưới, xuề xòa và dễ dãi, cho qua những thiếu sót, hạn chế của những đồng nghiệp cùng đơn vị. Trong một số trường hợp, cấp dưới còn e dè cấp trên, cả trong công tác chuyên môn cũng không dám nói thẳng, sợ bị cấp trên cho là mình “vượt mặt”. Lâu dần, người cán bộ trở nên thụ động, không dám đấu tranh để khẳng định quan điểm của mình.

Cán bộ dám nói chỉ khi họ được trọng dụng đúng năng lực, được tôn trọng ý kiến và được làm việc trong môi trường thật sự dân chủ. Chính vì vậy, người có năng lực chưa đủ mà phải đặt họ vào vị trí, môi trường làm việc tương xứng, phù hợp với khả năng của chính họ. Để rồi, những ý kiến mà họ dám nói ra sẽ có người lắng nghe và thẩm định, sẽ có những phản hồi tích cực hơn là sự trù dập cá nhân hay sự lãng quên một cách cố ý. Trong khi đó, để khuyến khích cán bộ dám làm và dám chịu trách nhiệm thì cũng cần một cơ chế rõ ràng, sự động viên, khích lệ từ chính những người đồng sự cấp trên hoặc cùng cấp. Cán bộ chính là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với quần chúng nhân dân. Nhưng nếu cán bộ không mạnh dạn nói, không tự tin hành động, thiếu bản lĩnh để tự chịu trách nhiệm cho những việc mình làm thì chắc chắn lòng dân cũng sẽ không phục.

Vậy làm thế nào để xây dựng được đội ngũ cán bộ có chất lượng, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm? Yêu cầu đặt ra trước hết là phải biết phát hiện, lựa chọn và sử dụng, cất nhắc đúng người, đúng việc. Căn cứ vào công việc để tìm người chứ không phải vì người mà lựa chọn công việc. Tiêu chuẩn cán bộ do cơ quan tuyển dụng đặt ra trên cơ sở những đòi hỏi bức thiết của vị trí công việc cần người. Đây cũng chính là lý do mà trong những năm gần đây, thành phố Đà Nẵng đã mạnh dạn sử dụng hình thức thi tuyển vào các chức danh lãnh đạo, quản lý trong một số cơ quan, đơn vị của chính quyền địa phương. Những người có năng lực sẽ cạnh tranh công bằng, công khai với nhau để có vị trí xứng đáng trong hệ thống chính quyền. Tuy nhiên, tuyển dụng, lựa chọn được rồi nhưng còn phải đánh giá đúng năng lực của cán bộ để sử dụng, bố trí và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch lâu dài. Xuyên suốt cả quá trình đan xen nhau, từ khâu sử dụng đến quy hoạch, luân chuyển, cất nhắc… luôn đòi hỏi sự đánh giá, nhìn nhận cán bộ đúng thực chất, không mang tính chủ quan, không định kiến cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, hiểu người rất khó, nếu không hiểu đúng thì không dùng đúng, không dùng đúng thì không cất nhắc đúng. Vậy nên, nhất thiết phải thật sự xem trọng khâu đánh giá cán bộ. Trong đó, yêu cầu tiên quyết để đánh giá đúng cán bộ là phải thực sự công tâm, khách quan, đánh giá ở nhiều góc độ, thời điểm, qua nhiều công việc thực tiễn, nhìn nhận đúng tính chất và hiệu quả công việc mà cán bộ đảm nhiệm.

Ngoài ra, để cán bộ thực sự phát huy vai trò và năng lực của mình thì việc tạo dựng môi trường làm việc tuân thủ triệt để nguyên tắc tập trung dân chủ là rất quan trọng. Chỉ cần thiếu tinh thần dân chủ, len lỏi trong quá trình làm việc là những định kiến cá nhân, sự chuyên quyền, độc đoán thì chắc chắn sẽ khó khuyến khích cán bộ dám nói thẳng, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, việc phân công nhiệm vụ và quyền hạn của cán bộ sẽ rõ ràng. Ai làm gì, chịu trách nhiệm đến đâu sẽ dễ quản lý và dễ đánh giá hơn khi ngay từ đầu đã phân cấp, phân công một cách công khai, dân chủ và cụ thể. Tránh tình trạng trách nhiệm cá nhân nhưng không dám nhận mà đùn đẩy cho tập thể hoặc cá nhân khác. Tránh tình trạng cán bộ dám hứa nhưng không dám làm và thậm chí đã làm nhưng không dám thừa nhận trách nhiệm nếu có sai sót xảy ra. Nhìn chung, dù ở bất cứ môi trường làm việc nào thì người cán bộ vẫn mong muốn được đánh giá đúng thực chất, được tôn trọng và sử dụng đúng năng lực. Để rồi, họ có thể phát huy hết khả năng của mình, làm việc tích cực nhằm mang lại lợi ích cho chính bản thân và cộng đồng xã hội.

HÀ AN

;
.
.
.
.
.