Ngày 27-8, Chủ tịch UBND phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn đã xin lỗi 4 công dân bằng văn bản do công chức của phường có hành vi hành dân khi giải quyết thủ tục hành chính. Như vậy, sau 8 năm kể từ khi có quy định xin lỗi dân bằng văn bản (Quyết định số 186/2004/QĐ-UB của UBND thành phố Đà Nẵng) nếu sai sót khi giải quyết thủ tục hành chính, đây là cơ quan công quyền đầu tiên của thành phố công khai xin lỗi dân bằng văn bản.
Hành động nhận lỗi và xin lỗi dân một cách công khai của UBND phường Hòa Hải rất đáng biểu dương. Cho đến thời điểm này mới chỉ có duy nhất UBND phường Hòa Hải là cơ quan đầu tiên công khai xin lỗi công dân với cấp trên và báo chí. Thông tin từ Sở Nội vụ cho hay: Qua các cuộc kiểm tra cải cách hành chính hằng năm tại các cơ quan, đơn vị có cung ứng dịch vụ công của thành phố, không năm nào không phát hiện hồ sơ trễ hẹn, hướng dẫn chưa đầy đủ để dân phải đi lại nhiều lần. Những lỗi này đều thể hiện ở hồ sơ lưu. Thế nhưng tuyệt nhiên không hề thấy hồ sơ lưu một văn bản xin lỗi tổ chức, công dân nào. Điều đó cho thấy việc quy định xin lỗi tổ chức, công dân bằng văn bản khi cơ quan công quyền có sai sót, mắc lỗi chưa được thực hiện nghiêm túc. Vì sao vậy?
Có thể lý giải rằng, tư tưởng chính quyền cai trị, công chức mang tâm thế kẻ có quyền ban cho và dân phải xin vẫn chưa hết. Cán bộ, công chức cơ quan công quyền vẫn “cố thủ” với tư duy “mình luôn luôn đúng” cho dù nói thế nào đi nữa. Nếu phải công khai xin lỗi dân khác nào tự hạ thấp mình. Chưa kể còn có những cán bộ, công chức biết mình mắc lỗi với dân nhưng ỷ rằng mình có quyền nên cứ phớt lờ, thậm chí tỏ thái độ thách thức. Chính những tư tưởng, suy nghĩ tiêu cực này là trở lực khiến cơ quan công quyền cũng như cán bộ, công chức cảm thấy quá khó thực hiện quy định xin lỗi dân bằng văn bản.
Có thể nói rằng, việc xin lỗi dân bằng văn bản một cách công khai của UBND phường Hòa Hải là hành động đầy thiện chí, chân thành nhận lỗi và xin lỗi khi mình có khuyết điểm. Đã là con người, không ai tránh khỏi lỗi lầm, khi chúng ta mắc lỗi, hãy dũng cảm xin lỗi để thể hiện sự cầu thị. Người biết xin lỗi đúng lúc, đúng cách đâu phải là người kém cỏi, thậm chí được xã hội nhìn nhận và đánh giá là người có đẳng cấp về văn hóa. Xin lỗi cũng là hành động dũng cảm không trốn tránh khuyết điểm. Cử chỉ xin lỗi cũng thay cho lời hứa “Tôi sẽ không mắc lại lỗi lầm nữa!”.
Thực hiện lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy, chúng ta đang xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân. Chính quyền sinh ra để phục vụ dân. Cán bộ, công chức là công bộc của dân nên phục vụ nhân dân là trách nhiệm, là bổn phận. Nếu mắc lỗi trong quá trình thực thi công vụ thì xin lỗi người dân là chuyện bình thường. Điều đó chứng tỏ cán bộ, công chức không chỉ có trình độ chuyên môn mà còn có văn hóa ứng xử tốt. Người dân nhận được cử chỉ hoặc văn bản xin lỗi của lãnh đạo cơ quan công quyền không ai cố chấp cả. Họ sẵn lòng tha thứ, bỏ qua tất cả. Người xin lỗi và người được xin lỗi đều nhẹ lòng. Nhận thức như thế thì việc xin lỗi công dân bằng văn bản khi mắc lỗi đâu có khó gì.
Vấn đề đặt ra là cần triệt để xóa bỏ những tàn dư của tư tưởng cai trị, xin - cho trong cán bộ, công chức ở cơ quan công quyền; xây dựng thói quen cảm ơn, xin lỗi người dân như một chuẩn mực văn hóa giao tiếp, ứng xử giữa cơ quan công quyền với người dân. Sự thiện chí, tính quyết liệt, nghiêm khắc của người đứng đầu mỗi cơ quan công quyền có vai trò quyết định sự thành công trong thực hiện mục tiêu nói trên. Mặt khác, thành phố cần quy định cơ chế giám sát và chế tài xử lý việc không thực hiện quy định xin lỗi bằng văn bản nếu có sai sót, khuyết điểm trong khi giải quyết các yêu cầu của tổ chức, công dân.
HOÀNG ANH