.

Chấp nhận “nền kinh tế vỉa hè”!

Chiếc ô-tô bán tải thắng gấp, trên xe mấy người mặc đồng phục nhảy ào xuống, như một phản ứng dây chuyền. Vỉa hè vốn ồn ào bỗng trở nên lộn xộn hơn khi có rất nhiều người đang buôn bán miệng hô “phường tới”, tay quơ vội hàng hóa bỏ chạy vào những con hẻm. Thường thì trong cuộc “đấu đầu” đó, phần thua cuộc rơi vào những phụ nữ lớn tuổi chân yếu, mắt mờ. Và “chiến lợi phẩm” thu được bỏ trên xe bán tải kia là vài mẹt trái cây, vài bó rau, vài chiếc ghế nhựa và thi thoảng là những tấm biển hiệu... Xong, chiếc xe bán tải vù đi và “chợ” trên vỉa hè lại nhóm họp bình thường (!?).

Xin nói ngay cảnh thường xuyên bắt gặp trên những con phố thuộc khu vực trung tâm thành phố đó chính là công việc hằng ngày của các đội quy tắc đô thị quận, phường. Rất lâu rồi, kể từ khi các đội quy tắc đô thị quận, phường ra đời, các địa phương đều có tổ thực hiện nhiệm vụ tương tự các đội quy tắc đô thị ngày nay. Tên gọi có khác, điều kiện làm việc ngày xưa cũng khác và không “hiện đại” như bây giờ, tức là có đồng phục, có ô-tô đi làm việc, nhưng có một kết quả chung là chưa bao giờ họ “dọn” dứt điểm được những hàng quán buôn bán trên vỉa hè. Cứ như “bắt cóc bỏ đĩa” dọn chỗ này phát sinh chỗ khác, xử lý hôm nay, ngày mai mọi việc đâu vào đấy.

Một câu hỏi đặt ra là tại sao công việc của các đội quy tắc đô thị không hiệu quả, và tại sao những người buôn bán trên vỉa hè lại chấp nhận cảnh buôn bán “rượt đuổi” khốn khó đến thế?

Để trả lời câu hỏi này, không có con đường nào khác là hãy đến gặp và tìm hiểu những người buôn bán trên vỉa hè là ai. Có thể trả lời nhanh họ chính là những hộ dân thuộc diện nghèo trong phường, họ thiếu vốn kinh doanh, không có nghề nghiệp ổn định và thường lớn tuổi. Rõ ràng với “lý lịch trích ngang” như vậy, tìm được việc làm ổn định trong các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hay một chỗ bán trong chợ... là điều không thể. Vì vậy, cách họ chọn khả dĩ nhất là bám vỉa hè để mưu sinh. Chưa có thống kê chính thức nào về số lượng người lấy vỉa hè làm nơi buôn bán để kiếm sống qua ngày, nhưng có thể nói con số này rất nhiều. Tính hết cả thành phố thì số người có công ăn việc làm, có thu nhập từ buôn bán trên vỉa hè, và nhất là những người được nuôi sống từ nguồn thu này rất lớn. Vì vậy, nhiều người đã nâng tầm việc buôn bán vỉa hè này trở thành “nền kinh tế vỉa hè”. Không ngoa lắm!

Tạo ra công ăn việc làm nuôi sống cả vạn người vậy thì tại sao cơ quan chức năng cứ vất vả đuổi bắt mãi thế? Lý lẽ đưa ra là tình trạng lấn chiếm vỉa hè không còn chỗ cho người đi bộ, rõ rồi; làm mất mỹ quan đô thị, không sai; bán thức ăn không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có lý... Tuy nhiên, cũng nêu câu hỏi ngược lại vì sao cơ quan chức năng lại không tạo điều kiện cho họ buôn bán một cách nền nếp, thay vì đi đuổi bắt như lâu nay. Muốn vậy, cơ quan chức năng phải đưa ra những quy định cụ thể như tuyến phố nào được phép buôn bán, và buôn bán những mặt hàng nào, thời gian buôn bán, công tác vệ sinh, an ninh trật tự... Tất cả phải thật cụ thể và khoa học. Dĩ nhiên ai muốn được buôn bán phải đăng ký và đặc biệt là cam đoan thực hiện nghiêm những quy định. Về công tác kiểm tra, xử phạt cũng không nên chọn cách làm như lâu nay, mà có thể sử dụng camera quay hình ảnh, sau đó mời đối tượng vi phạm đến xử phạt, nếu tái diễn thì cấm buôn bán luôn.

Thật ra đây là cách làm không mới và nhiều nước trên thế giới cũng đang triển khai. Ngay như các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore... đều chấp nhận “nền kinh tế vỉa hè” và từ đó tổ chức cho họ làm ăn thật quy củ. Xa hơn chút ở các nước phát triển như Úc, Pháp, Mỹ cũng dành một phần vỉa hè cho người dân kinh doanh buôn bán. Thế thì tại sao Đà Nẵng không chấp nhận “nền kinh tế vỉa hè” để từ đó có cách giải quyết mới hơn, thay vì phải “đuổi bắt” mãi như lâu nay?

THANH SƠN

;
.
.
.
.
.