.

Chủ động phòng chống thiên tai

Mới chớm mùa mưa lũ mà tại một số địa phương ở khu vực Bắc miền Trung và miền núi phía Bắc liên tiếp hứng chịu tổn thất nặng nề về người và tài sản do thiên tai gây nên. Vụ lở núi kinh hoàng vào ngày 7-9 tại xã La Pán Tần, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái cướp đi sinh mạng 18 người, khi họ đang trên đường đi mót quặng, nâng số người chết và mất tích do ảnh hưởng của bão số 5 tại địa phương này lên 21 người. Tiếp theo đó, mưa lũ tại các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh trong mấy ngày qua làm 11 người chết, hàng chục người bị thương; thiệt hại về tài sản ước hàng nghìn tỷ đồng. Quả là những con số đau lòng!

Đã thành quy luật tất yếu của tự nhiên, năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch, thiên tai bão lũ dồn dập xảy ra trên phạm vi cả nước, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của hàng chục triệu người. Nắm bắt quy luật này, nhiều địa phương đã chủ động triển khai phương án đối phó khá hiệu quả, từ đó góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Tuy vậy, rất ít đợt thiên tai bão lũ xảy ra lại an toàn tuyệt đối về người. Đây đó vẫn có người chết, mất tích rất thương tâm. Đơn cử như ở Đà Nẵng, năm 2011, xảy ra 5 đợt lũ không thật lớn lắm, song vẫn có 5 người thiệt mạng, 7 người bị thương. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chỉ vì khả năng đối phó với thiên tai của người dân hạn chế, thậm chí họ rất chủ quan khi đối mặt với bão lũ. Việc nâng cao năng lực đối phó với mọi tình huống thiên tai cho người dân chưa thật sự được chú trọng, số người được tập huấn về kỹ năng phòng chống bão lụt còn ít. Khi bão lũ đến, nhiều người mất bình tĩnh, bị động, không biết xử lý như thế nào. Nhiều khu vực có nguy cơ xuất hiện lũ quét, sạt lở đất, hoặc hố ga không nắp đậy, cống rãnh, kênh mương thường bị ngập, chưa có biển báo…

Tuy Đà Nẵng đã có chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) như chủ động di dời các hộ sinh sống tại vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn, xây dựng nhiều công trình phòng tránh thiên tai tại vùng thấp trũng; chuẩn bị chu đáo trang thiết bị, phương tiên, dụng cụ và nhân lực đáp ứng yêu cầu PCLB&TKCN; trước mỗi mùa bão lũ, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các cấp tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm công tác PCLB năm trước, triển khai nhiệm vụ, phương án năm tới chu đáo; thế nhưng không ai dám chắc khi có bão lũ  sẽ an toàn về người. Thực trạng đặt ra cho chính quyền các cấp và cơ quan chức năng cần đặc biệt chú trọng các yếu tố bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Một trong các yếu tố có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả phòng chống lụt bão là kỹ năng tự đối phó với mọi tình huống thiên tai của mỗi người dân được nâng cao, khắc phục triệt để tâm lý chủ quan, coi thường mạng sống của chính mình. Có được điều này chỉ có thể thông qua các lớp tập huấn cho nhiều người do cơ quan chuyên môn tổ chức. Đồng thời, việc di dời các hộ còn sinh sống tại vùng nguy hiểm, lắp đặt các biển báo hiệu nguy hiểm tại những nơi nguy cơ mất an toàn cao phải triển khai kịp thời, đến nơi, đến chốn.

Cũng xin nói thêm, đến thời điểm này, 7 hộ tại tổ 1, thôn An Định, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) đang ở dưới chân núi, nơi có nguy cơ sạt lở rất lớn vẫn chưa được di dời đến nơi an toàn, mặc dù UBND huyện Hòa Vang đã có tờ trình từ mấy tuần trước. Thêm vào đó, mặc dù bờ sông Túy Loan đoạn hạ lưu cầu sắt đã được gia cố bằng kè mềm, nhưng không ai dám khẳng định 11 hộ sinh sống sát bờ sông này sẽ an toàn khi có lũ lớn. Và như vậy, việc di dời các hộ này không thể chậm trễ hơn được nữa. Chưa hết, rất nhiều công trình dân sinh biết chắc 100% sẽ bị tàn phá khi có lũ lớn, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục. Cụ thể như cống hộp xuyên qua đường từ đường 602 vào thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh, vốn đầu tư 1,7 tỷ đồng, đã xây dựng xong. Song, 2 bên mố cống này không được gia cố chắc chắn, chỉ là đất đắp, khi lũ về sẽ gây xói lở, gây mất an toàn đến công trình vừa hoàn thành này. Hoặc như đường ADB từ Hòa Tiến đi Hòa Phong, bị hư hỏng nặng từ đợt lũ năm ngoái, Sở Giao thông vận tải đã có phương án gia cố ta-luy âm bằng bê-tông, hoặc thay đổi thiết kế hạ thấp nền đường đoạn dài khoảng 100m làm tràn, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai, chắc chắn mùa lũ tới sẽ bị hư hỏng tiếp, có khi nghiêm trọng hơn…

NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.