.

Đi, nghe, nhìn và... xấu hổ!

Hơn một tuần nay, cộng đồng mạng “nóng” về bức ảnh chụp dòng chữ bằng tiếng Việt để cảnh báo những vị khách Việt: “Xin vui lòng ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu, ăn không hết sẽ bị phạt từ 200-500 baht” tại một nhà hàng ở Thái Lan. Bức ảnh đã gây nên nhiều ý kiến trái chiều. Hầu hết đều tỏ ra bức xúc và lên án mạnh cái chuyện bôi xấu người Việt ở nước ngoài. Nhưng rất nhiều ý kiến tham gia diễn đàn còn kể nhiều câu chuyện “người Việt xấu xí” như thế ở nước ngoài. Hóa ra cái chuyện “người Việt xấu xí” kiểu như câu chuyện trên lại quá nhiều, nhiều đến mức báo động...

Bản thân tôi trong dịp du lịch Thái Lan năm ngoái cũng gặp cảnh tượng tự, và cảm giác lúc đó chỉ muốn “độn thổ” cho nhanh vì xấu hổ quá. Chiều hôm đó, sau khi đi thăm các danh thắng tại thủ đô Bangkok, hướng dẫn viên du lịch người Thái Lan đưa chúng tôi đến một nhà hàng hải sản tự chọn khá nổi tiếng. Trong lúc mọi người còn chưa kịp chọn chỗ ngồi, bất ngờ một người chỉ tay về cuối dãy bàn, và đập vào mắt chúng tôi là một câu tiếng Việt “Lấy thức ăn mà ăn không hết sẽ phạt 400 bath”. Cả đoàn bỗng im ắng. Trước tình huống bất ngờ này, hướng dẫn viên người Thái đã nhanh chóng xoa xịu “thượng đế” của mình: “Nói vậy chứ không sao, mình ăn còn thừa một tí cũng được” (!?). Lúc này tôi mới tìm hiểu “sao chỉ có tiếng Việt mà không thấy tiếng gì khác”. Đến lúc này, hướng dẫn viên người Thái đành nói thật: “Du khách nước khác ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu, nên không cần câu này”.

Gần một tuần du lịch trên đất Thái, thật tình những cảnh ăn uống với “phong cách không giống ai” như thế có thể bắt gặp khắp nơi. Cứ vô nhà hàng nào nếu có du khách người Việt thì biết ngay. Đơn giản vì đoàn khách Việt lúc nào cũng ồn ào nhất mất trật tự nhất, và xả rác nhiều nhất. Thậm chí, những đoàn có nhiều khách nam thì càng dễ nhận ra người Việt hơn, vì cứ ngồi vô bàn là gọi bia ra và “zô, zô”, bất kể những cái nhìn khó chịu, cái cau mày của những du khách đến từ các quốc gia khác.

Chuyện “người Việt xấu xí” khi ra nước ngoài không chỉ diễn ra ở lĩnh vực ẩm thực mà còn khá nhiều lĩnh vực khác. Bản thân tôi một lần đến bệnh viện khá lớn tại Caramatta - nơi được gọi là thủ đô người Việt tại Úc. Ngay tại cổng vào bệnh viện  có bảng giới thiệu các dịch vụ bằng 3 thứ tiếng. Và thật bất ngờ sau tiếng Anh là tiếng bản địa, kế tiếp là tiếng Việt và thứ ba là tiếng Trung Quốc. Xa quê hương, chỉ cần đọc được dòng chữ Việt bỗng nhiên lòng rất đỗi tự hào khi bắt gặp bóng dáng quê nhà. Thế nhưng niềm tự hào đó chưa được bao lâu, thì tôi lại bắt gặp một câu viết bằng tiếng Việt trên các lối đi “Nhớ rửa tay”. Từ chỗ tự hào, cảm giác xấu hổ nhanh chóng thế chỗ, tìm hiểu thì được một nhân viên gốc Việt tại đây cho biết: Bệnh viện này hằng ngày tiếp nhận và điều trị dân đủ các nước trên thế giới, trong đó nhiều nhất là Việt Nam và Trung Quốc. Vì vậy, bệnh viện mới giới thiệu các dịch vụ của mình bằng 3 thứ tiếng. Thế nhưng, chỉ riêng câu “Nhớ rửa tay” thì chỉ có tiếng Việt, vì thói quen “quên” rửa tay của người Việt rất phổ biến; để tránh lây lan bệnh, lãnh đạo bệnh viện mới quyết định ghi câu này (!).

Những thói quen xấu của người Việt có thể nói là rất nhiều, nhiều đến mức mọi người cứ coi như đó là chuyện... đương nhiên. Khi ra nước ngoài, sự xấu xí đã được “mặc định” là đương nhiên kia trở thành kém văn minh, thậm chí là lố bịch trước mắt bạn bè. Đâu đó trong những câu chuyện bên bàn nhậu, hay bên ly cà-phê cùng bạn bè người thân, hay tại một số diễn đàn văn hóa, những thói quen xấu xí đó vẫn bị lên án. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ để người Việt thay đổi cái thói quen không đẹp đó. Vậy thì trách nhiệm này thuộc về ai? Câu hỏi này có lẽ còn khá lâu mới có lời giải. Tuy nhiên, mỗi người Việt hãy tự ý thức về trách nhiệm công dân của mình, và bắt đầu từ những việc rất nhỏ như “ăn bao nhiêu, lấy bấy nhiêu”, “nhớ rửa tay sạch sẽ”, “mua vé phải xếp hàng”... Còn nếu không thì mỗi lần ra nước ngoài sẽ khó tránh được cảm giác xấu hổ vì những thói quen xấu của chính mình.

T.S

;
.
.
.
.
.