.

Đừng chỉ là đốm lửa!

Đề xuất bố trí nhà chung cư trong chương trình ký cam kết thực hiện giữa Liên đoàn Lao động và Hội LHPN thành phố mới đây đã nhen lên đốm lửa của niềm vui, niềm hy vọng và niềm tin vào những chủ trương tốt đẹp cho hàng chục ngàn lao động nữ, đặc biệt là với 40.000 lao động nữ tại 6 khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn thành phố.

Từ lâu người ta quá quen với cảnh lao động, nhất là lao động nữ phải tá túc trong những nhà trọ chật chội, tạm bợ, ẩm thấp, trộm cắp, tệ nạn xã hội xảy ra ở nhiều khu nhà trọ của công nhân. Đồng lương ít ỏi trong túi công nhân vốn không theo kịp thời bão giá nay vừa phải dè sẻn đến hết mức có thể cho khoản tiền thuê nhà vốn đã cao,  thường xuyên thích ứng với đà tăng giá của thị trường. Tiền nhà là một chuyện, còn trăm thứ tiền như tiền điện, tiền nước, thậm chí… tiền rác cũng được các chủ nhà trọ ít lòng từ tâm khai thác triệt để từ túi công nhân. Công nhân nữ còn có nỗi lo về con trẻ khi sống trong những điều kiện không bảo đảm như thế. Mơ ước về một điều kiện sống khá hơn, một nơi để an cư dường như vẫn luôn thường trực trong lòng họ. Nhưng mơ ước ấy cũng chỉ là ước mơ thôi khi với họ, khả năng sở hữu một căn nhà ngày càng xa tầm tay. Ban Quản lý các KCN và chế xuất Đà Nẵng cho biết, tại 6 KCN đang có khoảng hơn 64.000 lao động làm việc, trong đó có gần 40.000 lao động nữ. Qua điều tra mới đây của Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, lực lượng lao động từ ngoài thành phố là nguồn lao động chủ yếu của các doanh nghiệp, trong đó, lao động nhập cư chiếm hơn 41%. Có những khu, những dãy nhà trọ chỉ toàn lao động nữ, nhiều người trong số họ sống đơn thân nuôi con, có người không nghĩ đến chuyện lập gia đình bởi cuộc sống quá khó khăn.

Cam kết đề xuất, bố trí chung cư của Liên đoàn Lao động và Hội LHPN thành phố chạm đến cái khát khao lớn nhất của nữ lao động, đó là vấn đề có nhà ở. Việc làm tốt đẹp này thuộc chủ trương an sinh xã hội của thành phố về nhà ở cho phụ nữ đặc biệt nghèo, nghèo và cận nghèo. Tuy nhiên, từ ý tưởng đến việc thực hiện vẫn còn là con đường dài. Sau hơn 15 năm triển khai các dự án xây nhà thu nhập thấp, nhà chung cư cho công nhân thuê tại Đà Nẵng, đến nay vẫn chưa có một dự án nào hoàn thành, dù các dự án này được thụ hưởng hàng loạt chính sách ưu đãi về vốn vay, cấp đất không thu phí... Nói đâu xa, chẳng hạn một dự án thiết thực đã ra đời với 3 khu nhà chung cư, 5 tầng “hứa hẹn” dành hàng trăm chỗ ở cho công nhân nghèo tại quận Liên Chiểu, nhưng dù đã sang tay 3 nhà đầu tư, 10 năm bỏ hoang mà đến nay vẫn chưa đâu vào đâu. Mới đây, Ban Quản lý các KCN và chế xuất Đà Nẵng cũng phối hợp với UBND quận Cẩm Lệ (nơi có KCN Hòa Cầm) thực hiện kế hoạch cải thiện nhà ở cho công nhân KCN Hòa Cầm theo hình thức xã hội hóa đầu tư nhưng hiệu quả đến đâu thì còn phải chờ.

Như vậy, ý tưởng khảo sát đề xuất bố trí chung cư cho nữ cán bộ, công chức, đặc biệt là công nhân, lao động nghèo lại một lần nữa nhen lên đốm lửa của niềm tin, hy vọng vào điều kiện sống tốt hơn. Biết bao ánh mắt đang dõi theo và chờ đợi điều đó… Thế nhưng, để một lần nữa, đề xuất đó không chỉ là “lời nói gió bay” hay rơi vào quên lãng, để đốm lửa bừng cháy lên thành ngọn lửa sưởi ấm những mảnh đời nghèo khó, bất hạnh rất cần sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa của các cấp, các ngành.

PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.