Khi mùa mưa bão ở Đà Nẵng bắt đầu thì cũng là lúc ngành du lịch thể hiện rõ tính thời vụ của mình. Bãi biển thưa thớt người; phần lớn các khu du lịch thường được xây dựng phù hợp với đón khách ngoài trời trở nên lặng lẽ; các khách sạn, nhất là khách sạn ven biển liên tục thông báo sụt giảm công suất phòng. Các công ty du lịch ví von gọi tháng 9 đến tháng 11 là mùa “ngồi chơi xơi nước”, vì hầu hết lượng khách nội địa gần như đã dồn chương trình du lịch của mình vào mùa hè, còn mùa khách quốc tế lại chưa bắt đầu. Ở nhiều hãng lữ hành, lượng khách đăng ký tour từ Đà Nẵng đi các nơi, cũng như từ hai miền Nam-Bắc về sụt giảm đến hơn 70%.
Bất chấp nỗ lực của các công ty kinh doanh du lịch như khuyến mãi, giảm giá tour, thêm nhiều tiện ích... bằng cách liên kết với các đơn vị cung ứng dịch vụ khác để kích cầu, thì khách hàng vẫn không mấy mặn mà. Thậm chí, biết cái khó của ngành du lịch trong mùa này, khách hàng tìm cách “ép” lại doanh nghiệp để có thêm nhiều quyền lợi cho mình. Lẽ ra, nếu sự liên kết giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ được thực hiện đều đặn suốt năm, ngay cả trong những mùa cao điểm như lễ, Tết, pháo hoa... để mang đến cái lợi tối ưu cho du khách, thì có khi trong mùa này, du khách đã mặn mà hơn.
Tính thời vụ của du lịch Đà Nẵng không phải là chuyện mới, nhưng rõ ràng vẫn chưa được bàn thảo cặn kẽ và có hướng giải quyết hiệu quả. Vì không có định hướng tốt, đến lượt mình, nhiều khách sạn ra đời manh mún vốn không có hướng xúc tiến và khai thác thị trường tốt, vì đoán biết được tính thời vụ, trước đó đã nhiều lần “hét” các mức giá không thể chấp nhận được, làm khó du khách mỗi mùa pháo hoa. Các chuyên gia du lịch từ lâu đã cảnh báo về tình trạng phát triển như vũ bão của hệ thống lưu trú tại Đà Nẵng, bởi vào những thời điểm như thế này mới thấy, sự lãng phí về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực là rất lớn. Trong khi đó, Đà Nẵng vẫn thiếu một quy hoạch tổng thể về sự phát triển cơ số phòng để có thể đáp ứng được lượng khách đã được dự đoán dựa trên các kết quả nghiên cứu cụ thể. Ngoài ra, bên cạnh thế mạnh là du lịch biển-đảo chỉ thích hợp với mùa nắng, Đà Nẵng phải nghĩ tới những loại hình có thể đáp ứng được nhu cầu du lịch của du khách cả vào mùa mưa. Không nhìn đâu xa, chính hai địa phương bạn là Huế, Hội An đã lấy thế yếu của mình làm thế mạnh bằng cách xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch từ “Mưa” và “Lụt”. Nên nhiều nhà làm du lịch đã nghĩ tới việc Đà Nẵng thiết kế, xây dựng một “bảo tàng bão” để du khách có thể nếm trải cảm giác sống trong bão và chia sẻ sự khó khăn cùng người dân Đà Nẵng.
Điều dễ thấy là, việc “cứu” thị trường mùa thấp điểm thường chỉ là nỗ lực của doanh nghiệp. Đứng về phía cơ quan chủ quản về du lịch, ngành du lịch cần có các kế hoạch hạn chế tính thời vụ. Có thể nói, hầu hết các hoạt động, sự kiện lớn về du lịch chỉ tập trung và rầm rộ từ khoảng tháng 3 đến giữa tháng 8 hằng năm. Trừ pháo hoa và dù bay quốc tế có chương trình dự kiến từ sớm, thì đa số các sự kiện diễn ra trong mùa nắng chỉ mang tính khuấy động không gian du lịch là chính, chứ chưa thực sự mang ý nghĩa là chương trình cố định thu hút khách hằng năm. Và từ đây trở đi, việc phát động các chương trình hấp dẫn để thu hút du khách là vô cùng cần thiết thì lại bị ngành du lịch bỏ quên. Hoặc ngành du lịch Đà Nẵng coi tính thời vụ là điều hiển nhiên cần được chấp nhận và không nhất thiết phải thay đổi?
TRIÊU NHAN