Một quy tắc trong hoạt động vận tải là khi giá xăng, dầu trên thị trường tăng thì giá cước vận tải cũng buộc phải điều chỉnh. Đây là điều mang tính bắt buộc bởi lẽ giá nhiên liệu chiếm từ 20-30% chi phí vận chuyển. Thế nhưng trên thực tế, rất nhiều trường hợp giá xăng, dầu trên thị trường tăng nhưng các doanh nghiệp vận tải lại không... dám tăng, hoặc có tăng thì cũng là chuyện bất đắc dĩ vì phải đối diện với rất nhiều phiền toái.
Theo quy định của Nhà nước, quyền xây dựng khung giá cước được trao về cho các doanh nghiệp quyết định, miễn sao doanh nghiệp làm đúng quy trình tức là hiệp thương với bến đến, bến đi, thống nhất giá cả và sau đó báo cáo về Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính và Cục Thuế địa phương, tiếp đó mới tiến hành in giá vé, niêm yết giá vé dán trên xe.
Đó là với các tuyến vận tải cố định, còn đối với taxi thì mỗi khi muốn điều chỉnh giá, hiệp hội phải tổ chức họp để thống nhất giá, và sau đó mới tiến hành điều chỉnh lại đồng hồ, in bảng giá cước dán trên xe... Nói chung muốn điều chỉnh giá cước thì nhanh lắm như taxi cũng mất từ 4-5 ngày đến cả tuần lễ, còn đối với xe khách tuyến cố định thì ít nhất là nửa tháng. Chỉ riêng thời gian đã phức tạp như vậy, mà còn tốn cả chi phí để in vé mới, in giấy niêm yết trên xe..., với taxi thì còn tốn thêm cả tiền kiểm định lại đồng hồ. Thế nhưng, với các doanh nghiệp, sự phiền toái chưa dừng lại ở đó bởi họ phải chạy theo giá xăng, dầu. Thực tế, giá xăng, dầu trên thị trường liên tục điều chỉnh tăng, giảm (mà chủ yếu là tăng), việc điều chỉnh giá cước quả là nỗi ám ảnh vì rất nhiều trường hợp khi vừa điều chỉnh giá cước xong thì buộc phải hủy, điều chỉnh lại đợt khác.
Thống kê cho thấy, chỉ từ đầu năm 2011 đến tháng 5-2012 giá xăng dầu trên thị trường đã 4 lần tăng với mức là 8.000 đồng và 2 lần giảm với mức 1.000 đồng. Tuy nhiên, đỉnh điểm nhất là trong tháng 8 vừa qua đã có đến 4 lần giá xăng, dầu trên thị trường được điều chỉnh theo hướng tăng. Với tầng suất điều chỉnh giá xăng, dầu dày đặc như thế, chưa nói đến hiệu quả kinh doanh, riêng việc chạy theo điều chỉnh giá thì các doanh nghiệp đã hụt hơi. Tuy nhiên, đáng lo nhất là giá xăng, dầu liên tục tăng rơi đúng vào thời điểm hoạt động vận tải đang... thoi thóp. Con số thống kê từ các hiệp hội vận tải hành khách tuyến cố định trên toàn quốc cho thấy, lượng khách xuất bến chỉ ở mức 30-40% số ghế, điều này cũng có nghĩa là càng chạy... càng lỗ. Trong khi đó, vận chuyển hàng hóa thì chỉ hoạt động với 30-40% công suất, do hàng hóa lưu thông trên thị trường đang giảm sút mạnh. Thậm chí, rất nhiều chuyến vận chuyển chỉ có một chiều có hàng hóa, còn chiều ngược lại phải chạy xe “gió”. Càng chạy càng lỗ, biết là vậy nhưng với rất nhiều chủ phương tiện, doanh nghiệp việc tạm ngưng hoạt động cũng có nghĩa là phá sản. Vì phổ biến hiện nay là tiền mua phương tiện chủ yếu vẫn là vay từ ngân hàng hoặc qua các kênh khác nên nếu “đắp chiếu” phương tiện thì lấy đâu ra tiền để trả lãi lẫn vốn.
Các chủ phương tiện, doanh nghiệp đang trong thời kỳ “ăn vào khấu hao”. Đây là điều đáng lo nhất vì như vậy chỉ sau vài năm sẽ mất hết vốn. Biết vậy nhưng biết làm gì hơn khi giá xăng dầu cứ nhảy múa liên tục như hiện nay.
THANH SƠN