.

Kỳ vọng năm học mới

Hôm nay (5-9), hơn 190.000 học sinh các cấp trên toàn thành phố Đà Nẵng đón chào năm học mới 2012-2013. Giã từ màu đỏ thắm của hoa phượng, chia tay mùa hè với bao nhiêu sắc màu, học sinh Đà Nẵng nô nức bước vào một năm học mới với bao nhiêu niềm tin và kỳ vọng về những ngày tháng tươi đẹp đón chờ tuổi học trò. Hòa chung cùng với sự háo hức, mong chờ của học sinh là bao nỗi lo toan, vất vả của các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và những người làm công tác quản lý trong ngành giáo dục - đào tạo.

Cứ mỗi mùa tựu trường là những bậc làm cha làm mẹ lại ngập tràn nỗi lo. Chuyện sách vở, quần áo cho con bây giờ xem ra không phải là chuyện đắn đo nhiều so với việc làm sao đầu tư cho con học bằng bạn bằng bè. Thế mới có câu chuyện dài kỳ phê phán nạn học thêm dạy thêm, mới có chuyện học sinh chạy sô một ngày mấy suất học kể cả chính quy lẫn phụ đạo. Và dường như những kỳ vọng mà phụ huynh đặt trên vai con em mình lại trở thành những áp lực vô hình khiến các em phải gồng mình để trở thành con ngoan, trò giỏi. Hiện nay, khi đời sống xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu đầu tư học tập ngày càng tăng cao thì cũng kéo theo bao câu chuyện vui buồn liên quan đến ngành giáo dục. Mỗi khi năm học mới đến, trong khi ngành giáo dục tất bật lên kế hoạch về nội dung giảng dạy, đổi mới công tác đào tạo thì phụ huynh lại lo sốt vó chuyện làm sao con mình đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến. Muốn như vậy, không ít học sinh chẳng biết đến những ngày hè vui đùa cùng bạn bè, thay vào đó là những buổi học thêm triền miên để chuẩn bị kiến thức cho năm học mới.

Năm học mới, cha mẹ lo là một chuyện, các thầy cô giáo cũng băn khoăn câu chuyện dạy và học. Làm sao rèn học sinh trở thành trò ngoan, trò giỏi là cái nghiệp đeo đuổi cả đời không dễ để hoàn thành. Năm nay, 200 giáo viên các bậc học được bổ sung vào đội ngũ giáo viên giảng dạy trên toàn thành phố. Giáo viên tăng, đồng nghĩa với việc giảm áp lực về thời gian dạy học cho các thầy cô nhưng cũng tăng gánh nặng giải quyết các chế độ, chính sách đối với những người quanh năm làm nghề truyền chữ. Mới đây, Đài Truyền hình Việt Nam đã phát sóng một phóng sự truyền hình kể về tâm sự của một số giáo viên ở một địa phương. Có thầy cô khi được hỏi đã thật lòng chia sẻ: Nếu được chọn lại sẽ không chọn nghề giáo. Cũng có người trả lời ngược lại. Nhưng điều đáng nói là tại sao những người yêu nghề, yêu trẻ đến thế lại rơi nước mắt khi kể về nghề giáo, lại buồn lòng khi nhắc đến những chế độ chính sách cho giáo viên, lại nức nở nói muốn chia tay nghề giáo trong khi thật tâm vẫn muốn sống chết với nghề! Điều đó suy cho cùng cũng đều xuất phát từ câu chuyện chế độ tiền lương, tiền thưởng của giáo viên vẫn chưa tương xứng, vẫn chưa giúp đại bộ phận giáo viên đủ trang trải cuộc sống trong thời kỳ bão giá. Câu chuyện dài kỳ về việc chăm lo chế độ chính sách đối với đội ngũ giáo viên sẽ vẫn còn được đề cập trong nhiều năm nữa. Nhưng cứ mỗi năm học đến, những người làm nghề giáo đều mong sao có những đổi mới, những chế độ ưu đãi cả về tiền lương lẫn tiền thưởng để họ có thể chuyên tâm làm những người chèo đò đưa con chữ đến với bao thế hệ học sinh.

Năm học 2011-2012, Đà Nẵng tự hào khi có đến 17 học sinh THPT đạt danh hiệu thủ khoa của các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Nhiều học sinh đã tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế và đạt thành tích đáng khen ngợi. Thành quả này là công học tập của các em, là kết quả đầu tư của các thầy cô giáo, là sự chăm lo của các bậc phụ huynh. Đồng thời, đây cũng là dấu mốc để năm học tiếp theo, học sinh các cấp bứt phá, vượt lên những thành tích mà các anh chị mình đã đạt được. Bên cạnh đó, 20 tỷ đồng đầu tư cho trang thiết bị dạy và học năm học 2012-2013 sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, thiết nghĩ, không chỉ dừng lại ở đó, mà ngành giáo dục thành phố cần có sự đầu tư mạnh hơn về việc đổi mới phương pháp dạy và học. Làm sao để những nội dung được dạy vẫn bám sát với chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục - Đào tạo nhưng linh hoạt, phong phú và sống động để học sinh dễ tiếp thu. Tránh tình trạng chạy theo thành tích, dạy ở trường là phụ nhưng học thêm lại là chính. Bao nhiêu nỗi băn khoăn, lo lắng của các em học sinh, các bậc phụ huynh và giáo viên mỗi năm học chẳng có gì thay đổi so với những năm học trước. Bởi lẽ, mong muốn sau cùng vẫn là làm sao để các em tiếp thu được càng nhiều kiến thức càng tốt. Đề rồi, việc học không chỉ giúp các em làm giàu kho tàng tri thức bản thân mà quan trọng hơn là hiểu được cách sống và làm người có ích cho xã hội, trở thành những công dân tiêu biểu của thành phố Đà Nẵng trong tương lai.

HÀ AN

;
.
.
.
.
.