.

Luống cuống như... người thông thái!

Sáng 26-9, lúc dùng điểm tâm, nhiều người tranh thủ xem lướt mấy tờ báo. Và không ít người luống cuống đến mức muốn bỏ cả đũa khi đọc thông tin “đũa dùng một lần nhiễm... lưu huỳnh”. Mặc dù trong bài báo này, các nhà khoa học đã trấn an người tiêu dùng rằng, với những chiếc đũa sử dụng một lần chỉ bị nhiễm lưu huỳnh nồng độ 60mg/lít là không đáng lo ngại, nhưng để an toàn thì tốt nhất là mua đũa về sau một tuần hãy sử dụng. Trấn an kiểu như vậy thì coi như bằng thừa, vì đũa sử dụng một lần thường được dùng ở các nhà hàng, quán ăn. Và như vậy thì làm sao người tiêu dùng biết được đôi đũa nào đã mua về được hơn một tuần (!?).

Từ chuyện đôi đũa sử dụng một lần nghĩ đến chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) quả là câu chuyện dài và rối rắm. Mới đây thôi, cũng trên báo chí, những người lỡ mua đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc cho trẻ em nhân dịp Tết Trung thu đã hốt hoảng khi biết các loại đồ chơi này sử dụng nhiều chất liệu có thể gây ung thư. Còn trước đó không lâu, người tiêu dùng cũng một phen bối rối khi có thông tin từ báo chí rằng, nhiều loại hương thơm đang được bán trên thị trường sử dụng hóa chất thơm có nguồn gốc từ... Trung Quốc. Khi đốt, khói hương này ảnh hưởng không tốt đến thị lực, thậm chí có thể gây mù.

Đó là câu chuyện kiểu “mỗi tuần một chuyện”, còn chuyện thường ngày kiểu như thực phẩm hư thối được ướp hóa chất, rau xanh sử dụng thuốc bảo vệ thực vật độc hại, trái cây ngâm hóa chất bị cấm... tràn lan khắp nơi.

Từ năm 1999, Nhà nước đã phát động và duy trì hằng năm Tháng hành động vì chất lượng, VSATTP nhằm huy động người tiêu dùng chung tay với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tẩy chay thực phẩm độc hại. Tuy nhiên, cũng chính qua Tháng hành động này đã bộc lộ rất nhiều yếu kém từ các cơ quan quản lý Nhà nước. Đó là lực lượng chuyên trách lĩnh vực VSATTP ở các địa phương quá mỏng, trong khi trang thiết bị hỗ trợ lại quá nghèo nàn, đã vậy sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn chồng chéo và có nhiểu... lỗ hổng. Thế mới có chuyện ngay trong Tháng hành động vì chất lượng, VSATTP, trên cả nước xuất hiện nhiều vụ ngộ độc tập thể. Về phía người tiêu dùng thì tùy mỗi năm, Tháng hành động có chủ đề riêng để kêu gọi mọi người chung tay loại bỏ thực phẩm không đạt VSATTP như “Hãy là người tiêu dùng thông thái” hoặc “Hãy có trách nhiệm với chính mình khi lựa chọn thực phẩm”...

Không ít người dân đã thở dài và luống cuống không biết làm sao để trở thành “người tiêu dùng thông thái”, bởi lẽ ngay cơ quan chức năng khi đi kiểm tra còn bối rối không thể “phán” ngay là thực phẩm này có bị nhiễm hóa chất độc hại hay không mà cần phải lấy mẫu về xét nghiệm. Thậm chí, với một số hóa chất độc hại, phải gửi mẫu đi thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội và chờ cả tuần mới có kết quả. Thế thì người tiêu dùng mỗi khi ra chợ chỉ vài chục phút làm sao phân biệt được thực phẩm có an toàn hay không. Quả là một kiểu đánh đố!

Sử dụng phải thực phẩm không bảo đảm VSATTP, hoặc các vật dụng không đạt tiêu chuẩn có thể dẫn đến ung thư và nhiều loại bệnh nguy hiểm chết người. Tuy nhiên, điều nguy hiểm chính là tác hại từ việc này thường diễn ra khá âm thầm và kéo dài cả chục năm mới phát bệnh. Vì vậy, nhiều người tiêu dùng đâm ra chủ quan, số khác muốn làm “người tiêu dùng thông thái” thì luống cuống không biết làm gì trước “mê hồn trận” giả-thật như hiện nay. Có lẽ trước khi kêu gọi người dân “hãy là người tiêu dùng thông thái” thì các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương hãy làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình đi  đã!

THANH SƠN

;
.
.
.
.
.