.

Nhức nhối chuyện thực phẩm thiu thối

Đọc những thông tin trên báo chí thời gian gần đây, người tiêu dùng không khỏi bàng hoàng trước một “bệnh dịch” ngày càng nghiêm trọng hơn: Người ta đang làm giàu bằng cách kinh doanh thịt thối. VnExpress ngày 27-5-2012 cho biết, 14 tấn thực phẩm thiu thối bị phát hiện ngay tại cửa ngõ thành phố Hồ Chí Minh; VOV ngày 29-8-2012 cho biết 2 tấn thịt thối trong “thực đơn” cho công nhân Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) bị thu giữ... Và mới nhất là việc Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an thành phố Đà Nẵng phát hiện và bắt giữ xe tải mang BKS 43K-5849 do tài xế Nguyễn Viết Phước (SN 1979, trú tổ 37 phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) điều khiển, trên xe có chứa 9 bao sản phẩm động vật (nội tạng heo) đã có mùi hôi thối, với tổng trọng lượng hơn 400kg.

Câu hỏi đầu tiên là tại sao 70% thực phẩm thiu thối và thực phẩm có các hoạt chất bị cấm đều được nhập qua cửa khẩu Lào Cai - như thông tin của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kính Tần cho biết lại có thể ngang nhiên, ung dung vào đến tận Quảng Trị hay thành phố Hồ Chí Minh mới bị bắt giữ? Một khi thực phẩm thiu thối vượt qua được hàng chục cửa ải kiểm soát để vào đến thành phố Hồ Chí Minh thì cũng đồng nghĩa rằng, chẳng có địa phương nào an toàn trước sự tấn công của thực phẩm thiu thối.

Câu hỏi thứ hai là vấn nạn trên đã từng được Báo Người Lao Động “kêu cứu” với tựa đề “Thịt thối đâu ra nhiều thế?” (số báo ngày 19-4-2012), nhưng vấn đề vẫn không được các cơ quan chức năng xử lý nghĩa là sao? Không thể đổ lỗi rằng hàng nhập khẩu nhiều hàng hóa, lắm chủng loại nên không kiểm soát được, bởi nếu an ninh kinh tế, chính trị biên giới không được bảo đảm thì đó là chuyện vô cùng nghiêm trọng dù với bất kỳ quốc gia nào.

Câu hỏi thứ ba, theo Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV ngày 29-8-2012), 2 tấn thịt thiu thối bị thu giữ trước đó có trong “thực đơn” của công nhân Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) - tức là số phận của những người nghèo, thu nhập thấp phải chăng đang bị thả nổi và những ông chủ đang đối xử với người lao động theo cung cách tệ hại nhất. Giá thực phẩm thiu thối chỉ bằng vài chục phần trăm so với giá của thực phẩm tốt, bảo đảm chất lượng nên không thể biện minh dù với bất kỳ lý do gì rằng không biết, rằng do chủ quan...

Câu hỏi thứ tư, những chế tài với tội danh kinh doanh thực phẩm thiu thối hiện tại không đủ để buộc những kẻ tán tận lương tâm phải sợ, phải khiếp. Nếu chỉ nộp phạt vài trăm ngàn đồng hay vài ba triệu đồng thì những kẻ thủ ác bị đồng tiền làm mờ mắt  không thể “tỉnh” để quay đầu là bờ. Sự báo động về lương tâm, đạo đức liên quan đến thực phẩm bẩn đã và đang đến mức tận cùng. Cần phải có những chế tài nghiêm khắc, nhanh chóng, quyết liệt, đủ để buộc tất cả những ai vô lương tâm phải dừng bước trên con đường đen tối muốn kinh doanh bằng sự hủy hoại sức khỏe của đồng loại.

Câu hỏi thứ năm, dù muốn hay không, các cơ quan có trách nhiệm như Bộ NN&PTNT, Tổng cục Hải quan, Bộ đội Biên phòng phải nghiêm khắc nhìn nhận những khuyết điểm của chính mình. Bởi lẽ thực phẩm thiu thối “ở đâu ra mà nhiều thế” đồng nghĩa với hàng loạt những trăn trở, bức xúc về an ninh, về xã hội, về sức khỏe, về sự coi thường luật pháp, về cả sự nghi ngờ rằng đã có tiếp tay...

Thực phẩm thiu thối không bao giờ là câu chuyện nhỏ bởi nó phá hoại toàn diện về sức khỏe của người dân, an sinh xã hội, sự lành mạnh của cộng đồng, sự đúng đắn về đạo đức, lương tâm. Tại sao Lào Cai lại có thể là nơi để cho 70% thực phẩm thiu thối tràn qua, tại sao phải đến tận thành phố Hồ Chí Minh thì những lô hàng tai họa đó mới bị phát hiện, tại sao có thể “chấp nhận” những kẻ làm giàu bằng cách hủy hoại cuộc đời của những người nghèo khổ...? Đó là những câu hỏi buộc tất cả các cơ quan có trách nhiệm trả lời ngay, trả lời đúng và đủ!

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.