.

Theo sát cuộc sống của dân

Vẫn biết việc tiếp xúc với dân, đặc biệt các khu tái định cư để nắm bắt những khó khăn mà họ gặp phải, những nguyện vọng mà họ đề đạt… là “chuyện thường ngày” của lãnh đạo thành phố, nhưng cuộc gặp gỡ của Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh với bà con Hòa Vân tại nơi ở mới của họ tạo được sự quan tâm của dư luận.

Dư luận quan tâm vì đây là cuộc gặp của người lãnh đạo cao nhất thành phố với người dân một làng đặc biệt, một làng sống cách ly với cộng đồng hơn 50 năm qua vì một căn bệnh trong “tứ chứng nan y” - bệnh phong - nay hòa nhập cộng đồng.

Hơn 300 con người phải chịu nhiều thiệt thòi do phải sống cách ly thì việc hòa nhập cộng đồng là khát vọng cháy bỏng của họ. Nhưng với người dân làng Vân, đứng trước hiện thực của giấc mơ đó, bản thân họ lại thấy bùi ngùi, luyến tiếc. Vẫn biết rời bỏ nơi mà ở đó cuộc sống đắp đổi qua ngày với những mành lưới, với chiếc thuyền nan bé bỏng, những vạt ruộng canh tác nhờ trời để về nơi phồn hoa đô thị thật sự là cuộc đổi đời, nhưng tập quán, thói quen… đã níu kéo họ, khiến cuộc di dời không dễ dàng.

Cứ cho đây là sự đánh đổi, mà đánh đổi thì có mất, có được, nhưng cái được như cách nói của Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh thì đời mình đã thế, còn con cháu cứ ở ngoài đó mãi rồi sống mặc cảm, xa rời. Về nơi ở mới, có thể lúc đầu chưa quen nhưng tin chắc sống rồi thấy hấp dẫn hơn nhiều…

Dời bỏ một làng cũ, phải thay đổi hoàn toàn một tập quán sống, một phương thức làm ăn, một cảnh quan, một lối sống thì ở Đà Nẵng đã diễn ra suốt hơn 15 năm qua.

Chuyện dời làng của Hòa Vân bé nhỏ của tôi, ngoài cái chung đó, thêm một nét khác biệt, đó là việc xóa bỏ định kiến, mặc cảm đã ăn sâu vào máu thịt, vào tinh thần rằng người bị bệnh hủi phải sống cách ly với mọi người.

Báo chí viết nhiều về sự di dời làng lịch sử này. Một cuộc di dời được chuẩn bị kỹ càng cả về vật chất lẫn tư tưởng và mang nặng nỗi “đau đáu thương dân” của chính quyền cùng nhân dân thành phố.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh chia sẻ với người dân làng Vân: Ở một thành phố trực thuộc Trung ương mà có một thôn heo hút, đời sống khó khăn mãi ngoài làng Vân, lâu lâu lại chờ đón viện trợ, thấy cứ thế nào ấy. Bà con ở ngoài đó ngày nào, chính quyền thành phố còn lo ngày đó. Mục đích và mong muốn lớn nhất của chính quyền thành phố là bà con được hòa nhập cộng đồng.

Hòa nhập cộng đồng, đó không phải là chuyện một sớm một chiều. Về nơi ở mới, người dân làng Vân phải chịu nhiều thách thức về sự kỳ thị còn sót lại ở một bộ phận người dân trong khu vực, về tập quán, thói quen, về việc làm, đời sống, học hành, chữa bệnh.

Ông bà ta nói “vạn sự khởi đầu nan”. Những khó khăn đó người nông dân làng hoa Phước Mỹ, làng rau Bắc Mỹ An, làng chài Nại Hiên Đông, người dân Trung Lương, Cồn Dầu vượt qua được thì người làng Vân cũng sẽ vượt qua được. Bằng gì? Bằng ý chí, niềm tin, nghị lực vươn lên của người dân và bằng sự hỗ trợ của Đảng bộ, chính quyền thành phố.

Một năm làm nhà, ba năm chuẩn bị. Để nhân dân làng Vân tái hòa nhập cộng đồng, những năm qua, thành phố đã có kế hoạch chuẩn bị về khu vực tái định cư, vốn liếng xây dựng nhà cửa và các thiết chế hạ tầng trường học, trạm y tế, điện, nước... Các địa phương, đơn vị mua sắm vật dụng, lương thực... hỗ trợ bà con khi về nơi ở mới.

Cuộc gặp gỡ của lãnh đạo thành phố diễn ra sau 10 ngày khi những người dân đầu tiên của Hòa Vân về nơi ở mới đã củng cố thêm niềm tin, nghị lực cho họ. Nhiều vấn đề, những khó khăn mà người dân gặp phải được lãnh đạo thành phố ghi nhận, giải quyết. Trước nhân dân Hòa Vân, Bí thư Thành ủy đưa ra lời bảo đảm: “Bà con cứ yên tâm, không phải đưa vào đây rồi thôi mà chính quyền luôn theo dõi. Tôi đã nói là làm”.

Thêm một minh chứng hùng hồn, sự vươn lên của Đà Nẵng, suy cho cùng là vì cuộc sống của dân, mưu cầu lợi ích cho dân. Và việc hiện thực hóa chủ trương đưa người dân Hòa Vân tái hòa nhập cộng đồng đã tô đậm thêm giá trị quý báu mà Đà Nẵng tạo được trong hơn 15 năm qua: Đảng nói - dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động, dân theo; Chính quyền làm, nhân dân ủng hộ.

QUÝ LÂM

;
.
.
.
.
.