.

Tinh thần doanh nghiệp

Ngày nay trên khắp thế giới, ai cũng biết đến Toyota, Sony, Honda, hay Matsushita mà không ai không khâm phục thành quả rực rỡ của quá trình công nghiệp hóa ở Nhật. Những công ty này đã góp phần đáng kể làm cho dân giàu, nước mạnh ở xứ mặt trời mọc này, và đã trở thành nhân tố lớn làm thay đổi hẳn hình ảnh của Nhật Bản trên vũ đài kinh tế thế giới. Yếu tố nào đã làm cho những công ty này chiếm lĩnh được thị truờng thế giới và đem lại sự vinh dự cho người Nhật?

Theo tôi, câu trả lời có thể tóm tắt bằng hai thuật ngữ: sức sáng tạo (innovation) và tinh thần doanh nghiệp (entrepreneurship). Sau đây, qua câu chuyện về sự ra đời và phát triển của công ty Sony, ta sẽ thấy sức sáng tạo và tinh thần doanh nghiệp được phát huy trong một môi trường như thế nào. Sony không những là trường hợp điển hình của sức sáng tạo và tinh thần doanh nghiệp ở Nhật mà còn có công đầu trong việc làm thay đổi hẳn hình ảnh của sản phẩm Nhật Bản bán tại Mỹ và các thị trường khác trên thế giới.

Năm 1946, trong bối cảnh hoang tàn, tăm tối của một đất nước vừa bại trận và bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, Masaru Ibuka (1908-1997) và Akio Morita (1921-1999) lập hãng Công nghiệp thông tin Tokyo, tiền thân của Sony, tại một căn gác hẹp trong một tòa nhà cũ kỹ ở Tokyo, với số nhân viên chỉ hơn 20 người. Từ đó chỉ trong vài mươi năm, Ibuka, một nhân vật kiệt xuất về phát minh, sáng chế, và Morita, một thiên tài về kinh doanh và tiếp thị, đã làm cho Sony trở thành công ty dẫn đầu thế giới về đồ điện gia dụng và trở thành biểu tượng của hàng công nghiệp chất lượng cao. Từ thập niên 1950, Sony lần lượt cho ra đời các sản phẩm chưa từng có tại Nhật và đi trước thế giới về nhiều sản phẩm trong lãnh vực điện tử. Sony là công ty đầu tiên tại Nhật sản xuất máy thu thanh (năm 1950), là công ty đầu tiên trên thế giới áp dụng công nghệ transistor vào việc sản xuất đồ điện gia dụng (radio năm 1955 và TV trắng đen năm 1960). Năm 1968, Sony khám phá ra phương thức mới Trinitron để sản xuất TV màu được thế giới ưa chuộng, và năm 1979 sáng chế ra Walkman làm thay đổi cách thưởng thức âm nhạc của giới trẻ khắp năm châu. Hiện nay (năm 2001), Sony là công ty đa quốc gia với hơn 180.000 công nhân làm việc tại gần 100 nhà máy trên thế giới. Doanh thu toàn cầu trong năm tài chính 1999 hơn 50 tỷ USD.

Xét trên mọi phương diện, có thể nói Sony là biểu tượng của sự sáng tạo. Nhưng sáng tạo không phải chỉ dừng lại ở đó và nếu chỉ có thế thì sản phẩm của Sony không thể được đón nhận nồng nhiệt trên khắp thế giới. Sony còn phát huy sức sáng tạo trong kinh doanh để động viên được trí tuệ, năng lực của cả công ty, và sáng tạo trong việc khám phá thị trường, khám phá những biện pháp mới, những phương thức tiếp thị mới để chiếm lĩnh thị truờng. Ngay khi cho ra đời một sản phẩm mới, Morita đã nhắm đến việc tiếp thị tại thị trường Mỹ, thị trường lớn nhất và đi đầu về công nghệ và chất lượng sản phẩm trên thế giới. Bằng sự nhạy bén về tâm lý người tiêu dùng và bằng một ngữ cảm phong phú, Morita đã ghép hai từ sound (âm thanh) và sonny (cậu bé) thành SONY, một tên gọi vừa dễ nhớ, dễ thân quen, vừa có nhiều ý nghĩa đối với những sản phẩm phát ra âm thanh, để đặt tên cho nhãn hiệu của sản phẩm và sau đó là tên của công ty. Từ đó, Morita đã bằng mọi cách làm cho tên Sony thẩm thấu nhanh chóng trên thị trường thế giới.

Sức sáng tạo do đâu mà có? Đối với một công ty hay nói rộng ra là đối với một nền kinh tế, tôi cho rằng tinh thần doanh nghiệp là mẹ đẻ của sự sáng tạo. Tinh thần doanh nghiệp (enterpreneurship) có nghĩa là tính tiến thủ của nhà doanh nghiệp, không bằng lòng với hoàn cảnh đương có mà là xông xáo tìm kiếm và nắm bắt cho bằng được các cơ hội do công nghệ và thị truờng mang lại. Người có tinh thần doanh nghiệp có con mắt nhìn xa trông rộng vào thế giới trong tương lai, giàu trí tưởng tượng về thành quả của công nghệ, biết là sẽ có nhiều bất xác định và rủi ro nhưng vẫn quyết đoán và đi tới hành động đầu tư, phối trí nhân lực và các nguồn lực kinh tế khác vào lĩnh vực mới vừa khám phá được. Để rõ hơn các tố chất của một người có tinh thần doanh nghiệp, ta trở lại câu chuyện của hai người sáng lập công ty Sony và mổ xẻ khái niệm tinh thần doanh nghiệp thành các đặc tính sau:

1- Có chí lớn  

Người có tinh thần doanh nghiệp không màng đến cái lợi trước mắt, có hoài bão, lý tưởng, quyết đem tài năng của mình góp phần biến cải xã hội, thay đổi được cuộc sống của mọi người. Do đó, trong một đất nước còn nghèo khó, người có tinh thần doanh nghiệp còn là người yêu nước. Giữa cảnh hoang tàn, đổ nát của xã hội Nhật ngay sau chiến tranh, Ibuka và Morita không bi quan, tuyệt vọng, giữ vững niềm tin vào một tương lai sáng sủa mà trong đó chính nhà doanh nghiệp cũng phải có sứ mệnh góp phần làm nên một tương lai như thế. Trong bài phát biểu tại buổi lễ sáng lập công ty năm 1946, Ibuka nói: “Phải dùng sức mạnh của công nghệ để cống hiến vào việc phục hưng kinh tế của tổ quốc chúng ta”.

2- Tinh thần mạo hiểm

Tinh thần mạo hiểm dựa trên sự tự tin vào năng lực của mình và óc phán đoán, trí tưởng tượng về hướng đi của công nghệ và thị truờng trong tương lai. Ibuka tự tin là có năng lực khám phá công nghệ độc sáng và tin tưởng là trong cuộc sống luôn luôn có những khoảng trống về công nghệ mà những công ty đi trước dù lớn đến mấy cũng không thể nào lấp hết được. Trong giai đoạn mới vừa lập công ty, Sony gặp nhìều khó khăn đến nỗi Ibuka phải rút hết tiền để dành của mình để trả lương cho công nhân. Nhưng với năng lực của mình và sự lạc quan về tương lai, Ibuka vẫn kiên trì theo đuổi giấc mơ và hoài bão ban đầu. Trường hợp của Morita cũng rất đặc biệt. Ông là con trai trưởng trong một gia đình khá giả và có truyền thống 300 năm về nghề nấu rượu. Theo truyền thống của Nhật, ông đã được chỉ định làm người thừa kế gia sản và có trách nhiệm tiếp tục sự nghiệp của cha ông để lại. Nhưng bằng đầu óc thông minh và thức thời, Morita biết rằng tương lai của Nhật Bản không thể phụ thuộc vào những ngành nghề truyền thống này. Thế là ông từ bỏ cuộc sống sung túc và bình an để cùng với Ibuka lao vào công việc mới đầy mạo hiểm nhưng cũng nhiều mơ mộng.

3- Tinh thần tự lập

Người có tinh thần doanh nghiệp không trông cậy vào sự bảo hộ, giúp đỡ của nhà nước. Tại Nhật Bản, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn của những năm vừa chấm dứt chiến tranh, và trong thời đại chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển của những thập niên 1950, 1960, không ít công ty đã nhờ vào các chính sách yểm trợ tài chính, tín dụng và thị trường của chính phủ để phát triển. Nhưng Ibuka và Morita quyết chọn con đường tự lập. Kinh tế học về sự phát triển phân biệt hai trường hợp về hành động của công ty: một bên là mưu tìm đặc lợi (rent-seeking) và một bên là tìm kiếm lợi nhuận chân chính (profit-seeking). Mưu tìm đặc lợi là lợi dụng cơ chế xin cho để mua chuộc những người có chức có quyền, qua đó kiếm được những cái lợi lớn mà không mất nhiều công sức trong kinh doanh. Lợi nhuận chân chính là thành quả của nỗ lực khám phá công nghệ, khám phá thị truờng cho những sản phẩm mới, hoặc cải tiến quản lý, khám phá phương pháp sản xuất mới để giảm giá thành sản phẩm. Dĩ nhiên bảo hộ có điều kiện trong những ngành còn non trẻ không mâu thuẫn với tinh thần doanh nghiệp. Nhưng trường hợp của Sony rất đặc biệt là không cần cả đến sự bảo hộ đó vì họ chủ trương đưa ra những sản phẩm chưa có trên thị truờng.

Vào thập niên 1950 và nhiều năm trong thập niên 1960, tại thị truờng Mỹ, dư luận nói chung cho rằng những “sản phẩm làm tại Nhật Bản” (made in Japan) tượng trưng cho những hàng có phẩm chất xấu, chỉ những người có thu nhập thấp mới mua. Nhưng qua những sản phẩm của Sony, hình ảnh đó dần dần bị đảo ngược. Trong lịch sử cận đại Nhật, Ibuka và Morita là những người có công làm cho hình ảnh của Nhật sáng chói trên thế giới, đem lại vinh dự cho người Nhật. Sony đã chứng minh cho thấy sức sáng tạo và tinh thần doanh nghiệp đã làm thay đổi hình ảnh của một đất nước trên vũ đài thế giới.

TRẦN VĂN THỌ (Giáo sư Đại học Waseda, Tokyo)

;
.
.
.
.
.